Theo ông Việt, số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014 cho thấy mức tiêu thụ cồn nguyên chất bình quân theo đầu người ở Việt Nam (đối với người trên 15 tuổi) là 4,4 lít/người/năm.
Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO thì Việt Nam xếp thứ 94/194 nước thành viên WHO về tiêu thụ cồn nguyên chất theo đầu người.
Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỉ lít bia, bình quân mỗi người uống hơn 40 lít bia, tăng gần gấp đôi 2 năm trước đó.
Việt Nam có tỉ lệ tiêu thụ bia lớn thứ 3 khu vực, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc
"Theo quy hoạch phát triển, đến năm 2020 ngành bia sẽ đạt sản lượng khoảng 4,1 tỉ lít, đến năm 2025 lên 4,6 tỉ lít và cán mốc 5,5 tỉ lít vào ăm 2025." - ông Việt cho biết.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành đồ uống vẫn duy trì mức độ tăng trưởng tốt dù có xu hướng giảm dần trong vòng 10 năm nay. Nếu cách đây 10 năm, tăng trưởng ngành này đạt trên 10% thì khoảng 5 năm trở lại đây chỉ còn trên 5%. Năm 2017 tăng trưởng 5,6%, dự đoán năm 2018 chỉ còn 5%.
Tại các quốc gia phát triển ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc, Trung Quốc... ngành đồ uống đã tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng. Vì vậy, mức tăng trưởng 5% của thị trường Việt Nam rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Các hãng bia nước ngoài liên tục đổ vốn vào Việt Nam. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp sau một thời gian thâm nhập đã không trụ lại được, phải rút lui khỏi thị trường có mức tiêu thụ bia lớn thứ 3 trong khu vực châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
"Thị trường bia Việt Nam tưởng béo bở nhưng thực chất rất khốc liệt, rất nhiều doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài đã phải "tháo chạy" khỏi thị trường vì gặp khó khăn trong cạnh tranh. San Miguel, Foster, BGI... là những ví dụ. Chỉ có 2 doanh nghiệp đang phát triển mạnh là Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (sở hữu nhãn hiệu Heineken và Tiger) và Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)" - ông Việt nói.
Bình luận (0)