Tình trạng phổ biến hiện nay là dù doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tốt và dự án khả quan cũng không dám mở rộng, phát triển hoặc phải co cụm lại vì vốn vay khó và lãi suất quá cao.
Thiếu vốn, chịu lãi suất cao
Bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết đa số các DN ngành lương thực thực phẩm là DN nhỏ và vừa, có đến 80% DN trong hội đang “khổ” vì thiếu vốn. Có những DN nhỏ, chỉ cần 5-10 tỉ đồng là có thể ổn định sản xuất nhưng cũng không xoay đâu ra tiền.
Lãi suất cao đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Thúy
Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM, cho biết vốn bảo lãnh của quỹ hiện nay đã tăng lên gần 300 tỉ đồng nhưng từ đầu năm đến nay hầu như không có DN mới nào đến vay vốn. Nguyên nhân là các DN không dám “gánh” mức lãi suất lên đến 20%-21%. Tuy nhiên, điều ông Long lo lắng chính là số phận của những DN nhỏ: Thiếu vốn, không có tài sản thế chấp lại đang hoạt động thua lỗ nên không thể tiếp cận các nguồn vốn vay...
Đau đầu bài toán nguyên vật liệu
Ngoài nỗi lo về vốn, lãi suất, các DN trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực sản xuất, còn gặp nhiều khó khăn khác. Với ngành thủy hải sản là nguồn nguyên liệu. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chế biến thủy sản (Vasep), cho biết 70% DN sử dụng nguyên liệu là tôm, cá tra, cá ba sa nhưng nguồn nguyên liệu này hiện không ổn định, giá cả tăng cao và thiếu hụt nghiêm trọng.
Ông Trịnh Bá Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản – Incomfish (ICF), cho biết không những thiếu mà giá nguyên liệu tăng lên 40%-45% so với cùng kỳ năm 2010 cũng gây nhiều khó khăn cho DN bởi giá bán sản phẩm không tăng theo kịp. Ngoài ra, tỉ giá giữa USD/VNĐ bị khống chế cũng làm giảm sức cạnh tranh so với các nước có cùng cơ cấu xuất khẩu. Còn yếu tố rất quan trọng và quyết định đến phát triển DN đó là nguồn lao động lại luôn biến động do lực lượng công nhân trực tiếp sẵn sàng “nhảy” chỗ làm…
Nỗi lo tiêu thụ sản phẩm
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quý II/2011, lượng thép tồn kho khoảng 500.000 tấn, trong khi DN chỉ sản xuất hơn 50% công suất. Theo tính toán của VSA, mức lãi vay các DN phải trả đối với lượng hàng tồn kho này lên đến 150 tỉ đồng/tháng. Điều đáng nói là theo VSA, có khoảng 30% DN trong ngành đang sử dụng công nghệ lạc hậu, 40% DN có công nghệ trung bình và chỉ 20% sử dụng công nghệ tiên tiến. Với mức lãi suất cao như hiện nay, chắc chắn DN sẽ không dám sử dụng vốn vay để đầu tư máy móc, nhà xưởng.
Giám đốc một DN sản xuất các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh cho biết: Sản phẩm của công ty tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước nhưng với chi phí đầu vào tăng cao buộc công ty phải tăng giá bán. Tuy nhiên, các siêu thị và cả người tiêu dùng đều khó chấp nhận nên sản lượng tiêu thụ đã giảm hẳn từ đầu năm nay.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Công ty Đồ gỗ xuất khẩu Minh Phương, than: Tình trạng chung hiện nay của DN ngành gỗ là năng suất thấp, vòng quay vốn chậm. Lãi suất trên 24%/năm (trong khi ở các nước chỉ 2%-4%), chi phí năng lượng, giá nguyên liệu tăng 8%-50%... khiến DN ngành gỗ mất lợi thế cạnh tranh về giá và đang đứng trước nguy cơ mất thị trường. Những DN có đơn hàng xuất khẩu cũng đau đầu vì lợi nhuận thu được quá thấp.
Kiến nghị gỡ khó cho DN Ngày 8-8, tin từ Văn phòng UBND TPHCM cho biết TP vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chính sách giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các DN trong tình hình hiện nay.
Kỳ tới: Giải pháp nào cứu doanh nghiệp?
Bình luận (0)