Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam (VNASME), ông Cao Sỹ Kiêm, cho biết từ đầu năm đến nay, hiệp hội đã 2 lần gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có kiến nghị gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.
Thay đổi chính sách lãi suất
Một trong những biện pháp cấp bách hiện nay là cần bỏ trần lãi suất tiền gửi,
chuyển sang khống chế trần lãi suất cho vay. Ảnh: Hồng Thúy
Đối với ngành tài chính, cần khẩn trương triển khai có hiệu quả việc cắt giảm chi tiêu công, chi tiêu hành chính; cắt giảm vốn đầu tư tại các công trình đầu tư dàn trải sang địa chỉ làm ăn có hiệu quả để nâng cao tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, Bộ Tài chính, Công Thương phải có biện pháp kiểm soát và quản lý giá mạnh mẽ để giảm đầu cơ, buôn lậu gây tâm lý xấu, không lành mạnh trong dân; quản lý thị trường, bình ổn giá, chặn cho được nạn găm hàng tăng giá “té nước theo mưa”…
Các giải pháp phải có mục tiêu gỡ khó cho DN
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Chính phủ đang triển khai hàng loạt giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, trọng tâm của các giải pháp phải đặt vào mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa vì đây là khu vực trả lương lớn nhất cho người lao động. Xét ở góc độ kinh tế, khu vực DN này cũng chính là người tiêu dùng lớn trong xã hội, thông qua hoạt động mua nguyên liệu làm ra những sản phẩm chế biến khác để cung ứng cho đời sống.
Bà Phạm Chi Lan khẳng định gỡ khó cho DN nhỏ và vừa cũng chính là gỡ khó cho người lao động, cho xã hội và chỉ có giải pháp này mới có thể dần cải thiện nền kinh tế. Còn như đề nghị gỡ khó bất động sản chỉ bảo đảm được lợi ích cơ bản của một chuỗi DN hoạt động trong lĩnh vực này, không phải nhu cầu thiết thực của người dân. Ngay cả người dân đang thiếu nhà ở cũng không có điều kiện lo chỗ ở vào thời điểm này vì họ đang chật vật lo cái ăn cái mặc, lo cho con cái học hành...
Theo bà Phạm Chi Lan, một vấn đề cần tập trung tháo gỡ ngay cho các DN là giải quyết hàng tồn kho. Bảy tháng đầu năm nay, chỉ số hàng tồn kho của khu vực sản xuất công nghiệp cao hơn nhiều so với những năm trước. Đây là một hệ quả của lạm phát và là một trong những biểu hiện đầu tiên của đình trệ kinh tế. Hiện tượng tiêu thụ chậm, hàng hóa tồn kho nhiều thể hiện rõ khó khăn của người dân và DN.
Ông Trịnh Bá Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản - Incomfish (ICF): Sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn Với lãi suất cao như hiện nay sẽ làm hàng loạt ngư dân tiếp tục “treo ao”, tiếp tục thiếu nguyên liệu khiến các nhà máy chế biến thủy sản phải giảm công suất, hoạt động cầm chừng. Lúc đó sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Thiếu nguyên liệu - giá tăng - lại tăng nuôi trồng không kế hoạch - dẫn đến sẽ thừa nguyên liệu - giá giảm - người nuôi sẽ bị lỗ và rồi lại tiếp tục “treo ao”- lại gây thiếu nguyên liệu… cứ thế rơi vào vòng luẩn quẩn mới. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM: Đừng để DN “chết ngộp” Có thể nói, khó khăn của DN nhỏ và vừa hiện nay được ví như là một cơn nước lũ, cứ dâng lên từ từ và hiện đã đến… lỗ mũi. Nếu không có cách tháo gỡ hợp lý từ các ngành, các cấp thì không ít DN sẽ phải “chết ngộp”. Thực tế, nếu chỉ vì chính sách mà DN “chết” thì thật sự là không đáng. S.Nhung ghi |
Bình luận (0)