Những ngày qua, dù đã quyết liệt "giải cứu" nhưng toàn tỉnh Đồng Nai còn tồn khoảng 300.000 con heo trọng lượng 80-100 kg/con, chưa kể lượng heo quá lứa. Theo chủ trương giải tỏa thịt heo tồn, hài hòa lợi ích của nông dân và người tiêu dùng, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngày 9-5 cho biết rất muốn mở điểm bán lẻ tại TP HCM.
Các quầy thịt đảm bảo an toàn thực phẩm tại siêu thị khá vắng khách - Ảnh: NGỌC ÁNH
Ông Công khẳng định nếu được cơ quan chức năng TP HCM chấp thuận, 2 ngày sau, thịt heo sẽ được bán ra với giá tương đương tại Đồng Nai. Cụ thể, giá sườn non 70.000 đồng/kg, ba rọi và đùi 60.000 đồng/kg, vai 55.000 đồng/kg, xương ống 40.000 đồng/kg… Ngoài ra, hiệp hội sẽ tăng giá thu mua heo hơi VietGAP lên 31.000-32.000 đồng/kg, đồng thời thu mua cả heo thường nhưng giá thấp hơn để khuyến khích người nuôi theo quy trình chăn nuôi tốt. Ông Công kỳ vọng thị trường TP HCM có thể bán được thêm 500-700 con heo/ngày nhờ giá rẻ.
Chiều cùng ngày, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cùng đại diện một số doanh nghiệp (DN) phân phối, thương nhân 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc liên kết tiêu thụ thịt heo. Tại cuộc họp, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng đề nghị mở thêm điểm bán thịt heo là khó khả thi vì TP đã có hơn 1.000 điểm bán hàng bình ổn, hơn 7.000 điểm bán thực phẩm có thịt heo.
"Nếu Đồng Nai muốn mở điểm bán thịt heo thì ai sẽ bán? Có bảo đảm an toàn thực phẩm và các quy định về kinh doanh mặt hàng này không? Giải pháp hữu hiệu nhất là không cần mở thêm điểm bán mà làm sao tăng lượng thịt heo tại những điểm bán đã có" - bà Trang nhấn mạnh.
Theo Sở Công Thương TP HCM, từ khi bắt đầu "giải cứu" thịt heo đến nay, Đồng Nai là địa phương được TP hỗ trợ tiêu thụ nhiều nhất. Các DN cung cấp, phân phối thịt heo tại TP đã tăng khoảng 30% năng lực giết mổ, tiêu thụ. Trong đó, Vissan tăng năng suất giết mổ, tiêu thụ từ 1.200 con lên 1.800 con/ngày, chợ Bình Điền từ 2.600-2.700 con lên 3.300 con/ngày, chợ Hóc Môn cũng tăng 30% lượng heo về đây mỗi đêm. Các hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, Vinmart… chấp nhận bán lỗ, phối hợp với nhà cung cấp giảm giá các mặt hàng thịt heo để kích thích tiêu dùng.
"Sau buổi làm việc này, Sở Công Thương TP HCM sẽ làm việc với các hệ thống trường học, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, các bếp ăn tập thể, KCX- KCN để tuyên truyền vận động tiêu thụ thịt heo nhiều hơn nữa" - bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết.
Một lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho rằng tỉnh Đồng Nai muốn đưa thịt đến TP tiêu thụ thì phải tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm như được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh. Việc đem thịt về bán lộ thiên, dã chiến là không phù hợp vì TP HCM đang nỗ lực dẹp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. "Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Đồng Nai nên đưa hàng tăng cường vào siêu thị hoặc chợ truyền thống" - vị này gợi ý.
Mổ heo cho dân không tính phí
Trao đổi với phóng viên ngày 9-5, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ cơ sở Xuyên Á - lò mổ lớn nhất TP HCM hiện nay (huyện Củ Chi, quy mô khoảng 4.000 con/ngày, chiếm 50% tổng lượng heo giết mổ tại TP), cho biết sẽ đồng hành cùng nông dân. Theo đó, cơ sở Xuyên Á sẽ thực hiện mổ "giùm" Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, không tính phí như với thương lái.
Ngoài ra, bà Thắm cũng sẵn sàng cho Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mượn 2 điểm kinh doanh thịt tại TP HCM của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (do bà làm giám đốc) để đại diện nông dân nuôi heo tổ chức bán lẻ.
Bình luận (0)