Do là “cần câu cơm” của nhiều người nên dù cấm đoán song kinh doanh thức ăn đường phố vẫn tồn tại. Vì vậy, nhiều người cho rằng cần có cách quản lý phù hợp để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đề xuất này được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố do Chi cục ATVSTP TP HCM tổ chức ngày 13-1.
Mới thí điểm đã gặp khó
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP HCM, cho biết theo phân cấp, quản lý thức ăn đường phố được phân cho phường, xã nhưng lực lượng làm công tác quản lý ATVSTP ở tuyến này phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa có cán bộ chuyên trách.
Ngay tại 2 phường thí điểm mô hình kiểm soát điều kiện ATVSTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố là phường 2 (quận 3) và phường An Lạc A (quận Bình Tân) thì kiến thức, trình độ của cán bộ quản lý vẫn chưa đạt so với yêu cầu. Tại 2 phường thí điểm, nhờ áp dụng nhiều biện pháp (tuyên truyền vận động và tài trợ trang thiết bị, dụng cụ cho người bán hàng...), sau một năm, tình hình đã cải thiện đáng kể.
Theo đó, căn cứ trên 10 tiêu chí kinh doanh thức ăn đường phố thì 3 tiêu chí đạt 100% (bày bán thức ăn cao hơn mặt đất ít nhất 60 cm, không để lẫn thức ăn sống - chín, nơi đựng rác kín và hợp vệ sinh). Tiêu chí đạt thấp nhất là người kinh doanh phải được khám sức khỏe thì gần 14% chưa đạt, sổ ghi chép nguồn gốc nguyên liệu gần 11% chưa đạt.
Một khó khăn khác, theo nhìn nhận của bà Mai, là nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn đường phố được mua với giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATVSTP nên việc quản lý, kiểm soát, truy nguyên nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Anh Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND phường 2, cho rằng theo tiêu chí, chỗ kinh doanh phải xa nguồn ô nhiễm như cống rãnh từ 2-3 m gây khó khăn cho người bán. “Từ lâu, họ bán hàng trước nhà, sau đó ngành thoát nước đặt miệng cống gần đấy, trong khi nhà bề ngang chỉ có
3 m. Nếu muốn tiếp tục kinh doanh, họ phải dời đi chỗ khác. Vì vậy, nên hạ khoảng cách xuống từ 1-1,5 m cho phù hợp với tình hình thực tế” - ông Kiệt đề nghị.
Không an toàn nhưng hấp dẫn
Theo đại diện Trung tâm Y tế quận 5, thức ăn đường phố ngày càng phát triển, hầu như trước nhà mặt tiền nào cũng có bán hàng ăn. “Phải thừa nhận việc kiểm tra thức ăn đường phố là không đơn giản, thậm chí cán bộ thực thi phải năn nỉ người vi phạm khắc phục do xử phạt không hề dễ. “Ra quyết định xử lý mà không thu được tiền phạt, cuối năm, người ra quyết định sẽ bị kiểm điểm. Chúng ta chỉ phạt được người “có tóc” mà thôi. Chưa kể, người dẫn đoàn đi kiểm tra thường không đủ chuyên môn về quản lý để tham mưu xử phạt” - vị đại diện này nêu thực tế.
Bà Ngô Thị Mỹ Anh, chuyên viên Phòng Khách sạn Sở Du lịch TP HCM, đánh giá hoạt động ẩm thực tại TP phát triển chưa từng có, đặc biệt là thức ăn đường phố. Đến TP HCM, phần lớn du khách trong và ngoài nước đều thích thức ăn đường phố.
“Các hãng thông tấn, đơn vị quảng cáo nước ngoài đến TP HCM cũng luôn muốn tìm hiểu về ẩm thực đường phố. Qua cẩm nang du lịch, du khách thường tìm đến các quán ăn vỉa hè bán bánh tráng trộn, bún bò, bún ốc... Điều này cho thấy ẩm thực đường phố TP HCM là hấp dẫn. Do vậy, Sở Du lịch mong muốn được phối hợp với Sở Y tế để quản lý tốt hơn thức ăn đường phố” - bà Mỹ Anh đề xuất.
Bà Mỹ Anh cho biết Sở Du lịch đang phối hợp với Trường Việt Úc và Công ty Cholimex thí điểm trên địa bàn quận 5 việc tập huấn nghiệp vụ bán hàng, tài trợ nước chấm sạch cho người kinh doanh nhỏ nhằm hướng tới ATVSTP.
Nên sắp xếp lại
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhìn nhận ẩm thực đường phố là nét đặc thù của TP nhưng đã phát triển quá mức khiến người dân bức xúc về ATVSTP, ảnh hưởng giao thông. Do vậy, nên tổ chức, sắp xếp lại thức ăn đường phố để quy củ và an toàn hơn chứ không nên để cho phát triển thêm.
Bình luận (0)