Các doanh nghiệp (DN) đầu tư bài bản cũng lo phải cạnh tranh không công bằng với thực phẩm bẩn. Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, nhà cung cấp trứng gia cầm sạch, cho biết gần đây DN của bà phải chuyển hướng tập trung vào ngành thực phẩm chế biến như lạp xưởng, bánh plan...
Lo từ chợ cóc đến quán sang
Lý do chuyển hướng của Công ty Ba Huân là do sản phẩm trứng sạch đang phải cạnh tranh gay gắt với trứng trôi nổi, không qua xử lý diệt khuẩn. “Ở chợ truyền thống, trứng đóng hộp giờ chỉ còn 30% thị phần. Ngay chợ lớn như Hòa Bình (quận 5), tiểu thương cũng công khai bán trứng trong rổ, không bao bì, nhãn mác. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, dịch bệnh xảy ra, chuyện tiêu hủy hàng loạt sẽ khó tránh khỏi, thiệt hại cho xã hội không thể kể hết. Phải chăng ngành thú y bị cắt kinh phí (do bỏ thu phí) mà bớt hoạt động kiểm soát?” - bà Huân đặt vấn đề.
Mất an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ ở chợ lẻ, quán cóc bình dân mà ngay trong các nhà hàng sang trọng, nơi tập trung nhiều thực khách từ nay đến cuối năm do vào mùa cưới, vẫn có. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM vừa công bố danh sách hàng loạt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn bị phạt trong tháng 11 và 10.
Cụ thể, Công ty Ẩm thực Chú Cuội (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, quận 9) bị phạt 49 triệu đồng do vi phạm quy định về điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện bảo quản và không lưu mẫu thực phẩm. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Giải trí Hùng Việt (74A Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú) bị phạt 40 triệu đồng do vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, không có biện pháp ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP.
Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Giải trí Ao Đôi (1/174A Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) bị phạt 33 triệu đồng do vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, về điều kiện bảo đảm ATTP. Ngoài ra, còn nhiều nhà hàng, quán ăn “tên tuổi” khác cũng bị phạt do vi phạm các quy định về ATTP.
Tránh ngộ nhận
Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP HCM, khẳng định không có chuyện vì thiếu nguồn thu mà xao lãng nhiệm vụ, ngành thú y vẫn duy trì hoạt động kiểm soát thường xuyên. “Tình trạng trứng gia cầm bán ngoài bao bì là có và chúng tôi vẫn xử lý khi phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát muốn có hiệu quả phải phối hợp liên ngành nhưng nhiều địa phương do lực lượng mỏng nên chỉ tăng cường khi có dịch bệnh” - ông Phát nêu thực tế.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, người dân không nên ngộ nhận rằng TP HCM có nhiều thực phẩm bẩn hơn các địa phương khác. “Sở dĩ TP HCM phát hiện và xử lý được nhiều là do có lực lượng tổ chức kiểm tra để ngăn chặn, cũng có nghĩa là phần còn lại đang lưu thông trên thị trường tốt hơn.
Cũng như với chuỗi thực phẩm an toàn của TP HCM, hiện thị phần còn thấp không có nghĩa là những thực phẩm còn lại là mất an toàn. Phải hiểu đúng đây là tiêu chuẩn thực phẩm cao hơn, nâng cao trách nhiệm của DN từ nuôi trồng, sơ chế, giết mổ, chế biến đến sản phẩm cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, cả nước chỉ mới có TP HCM xây dựng được chuỗi thực phẩm an toàn” - ông Thảo nói.
Khó có nhận biết chính xác
Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, rất khó để đưa ra nhận biết về cảm quan đâu là thịt sạch, đâu là thịt không an toàn một cách chính xác. “Ngay dân trong nghề cũng không thể chắc chắn, nhiều trường hợp nghi ngờ nhưng khi đưa vào phòng thí nghiệm kiểm tra thì không phát hiện bất thường.
Ở các cửa hàng của chúng tôi có câu chuyện người tiêu dùng chỉ miếng thịt lớn và đòi lấy phần nhiều mỡ nhất vì tin rằng phần thịt đó không có chất tạo nạc. Trong khi phần mỡ thì tùy nơi của cơ thể heo mà mỏng hay dày, không thể có chuyện cùng một con heo mà có chỗ có chất tạo nạc, chỗ không” - bà Ninh nói.
Đại diện Vissan cho biết đơn vị đã theo đuổi 7 năm để xây dựng chuỗi thịt heo có thể truy xuất nguồn gốc hoàn thiện. Hiện nay, 50% thịt heo của Vissan cung cấp là heo VietGAP, dự kiến đến tháng 3-2016, tỉ lệ này sẽ nâng lên 100%.
Bình luận (0)