Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) giảm dần qua các quý và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đến ngày 25-11, khối lượng mua lại trước hạn của các DN là 161.000 tỉ đồng, bằng 114% của khối lượng mua lại năm 2021. Tình hình này phản ánh sự khó khăn và niềm tin trên thị trường sụt giảm.
Gấp rút lấy lại niềm tin
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định những bất ổn trên thị trường trái phiếu thời gian qua là do một số vụ việc vi phạm bị đưa ra xử lý làm mất lòng tin của nhà đầu tư, kéo theo khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về DN phát hành gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. "Bộ Tài chính đề nghị DN chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh, tài chính và công bố với nhà đầu tư" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Công ty CP FiinGroup - công ty cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính và xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng nên hình thành quỹ bình ổn thị trường trái phiếu, giống cách làm của Trung Quốc, Hàn Quốc hay chương trình mua trái phiếu thứ cấp tại Mỹ. Tuy nhiên, mô hình này không khả thi trong điều kiện của Việt Nam.
"Mấu chốt trong việc xử lý vấn đề trái phiếu hiện nay là câu chuyện niềm tin. Những giải pháp hướng đến sự minh bạch thông tin sẽ là giải pháp căn cơ về dài hạn. Ngoài chủ động công khai thông tin về triển khai dự án, tiến độ sử dụng vốn, DN phát hành cũng nên làm việc với đại diện người sở hữu trái phiếu hoặc trái chủ lớn về lãi suất, gia hạn kỳ hạn thanh toán. Đây cũng là cách mà thị trường trái phiếu Trung Quốc "hạ cánh mềm" trong 2 năm qua" - ông Thuân phân tích.
Cần có quy định cụ thể để kiểm soát ngân hàng phát hành trái phiếu nhằm tránh gây bất lợi cho nhà đầu tư Ảnh: BÌNH AN
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group, kiến nghị nhà nước có quy định bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân, những người mua trái phiếu DN nhưng không có kinh nghiệm và chưa tìm hiểu kỹ. Đồng thời, cho phép những DN phát hành trái phiếu "đàng hoàng, có thiện chí" nhưng gặp khó khăn ở thời điểm hiện tại được cơ cấu lại nợ với một số điều kiện đi kèm, chẳng hạn tăng quyền lợi cho trái chủ.
Quan trọng hơn cả là không nên hình sự hóa những vấn đề thuần túy về kinh tế. "Hai vấn đề được nhà đầu tư quan tâm là thanh khoản và khả năng trả nợ của DN. Trong đó, vấn đề liên quan đến thanh khoản chỉ là nhất thời, có thể khắc phục được. Nhà đầu tư không nên hoang mang" - ông Dominic Scriven nói.
Thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, ghi nhận thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, bổ sung quy định để quản lý thị trường trái phiếu theo hướng công khai, minh bạch, bền vững.
"Xét về lâu dài, tính chuyên nghiệp và trung thực là yếu tố tiên quyết giúp thị trường phát triển tốt. Trong đó, đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm DN phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp quan trọng. Thay vì quản lý hàng ngàn DN phát hành, hàng triệu nhà đầu tư, chỉ cần tập trung quản lý và giám sát chặt các công ty xếp hạng tín nhiệm, tăng chất lượng xếp hạng tín nhiệm, chấn chỉnh kịp thời vi phạm" - luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề Diễn đàn kinh tế xanh năm 2022 vừa diễn ra, ông Ketut Kusuma, chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng cần có giải pháp thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm trên thị trường. Nếu ngân hàng, công ty bảo hiểm chỉ được mua những trái phiếu DN đã được xếp hạng tín nhiệm hoặc giá trị đầu tư trái phiếu DN đã được xếp hạng tín nhiệm nhiều hơn trái phiếu chưa được xếp hạng sẽ khiến nhu cầu về xếp hạng tín nhiệm từ chính các nhà phát hành tăng lên.
"Việc thiếu trái phiếu DN được xếp hạng tín nhiệm làm giảm tính minh bạch của thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ. Mặt khác, trên thế giới, thị trường trái phiếu DN riêng lẻ vốn chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp - những tổ chức và cá nhân có kinh nghiệm, trình độ rất cao về tài chính. Trong khi đó, tiêu chuẩn để được công nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn thấp. Một số người đủ điều kiện được công nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng không đủ khả năng phân tích tình hình của DN phát hành trái phiếu" - ông Ketut Kusuma chỉ rõ.
Riêng về trái phiếu phát hành qua ngân hàng, TS Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính, đánh giá đây là kênh được các tổ chức phát hành và đơn vị tư vấn phát hành lựa chọn chủ yếu. Nguyên nhân bởi hệ thống ngân hàng có lợi thế số lượng khách hàng lớn và sản phẩm trái phiếu DN có nhiều đặc điểm tương đồng với một số sản phẩm của ngân hàng. Nhiều ngân hàng bán trái phiếu nhằm đa dạng hóa hoạt động, cung cấp nhiều hơn sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
"Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn của ngân hàng thương mại và nhân sự trực tiếp tư vấn đầu tư, mua bán trái phiếu. Thời gian qua, một số khách hàng cho rằng mình bị ngân hàng "dụ" mua trái phiếu DN dưới hình thức tư vấn là tiền gửi; còn đại diện ngân hàng khẳng định họ giới thiệu cho khách mua trái phiếu và không ký kết, thỏa thuận" - TS Trịnh Đoàn Tuấn Linh nêu thực trạng.
Ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh đề xuất quy định tiêu chuẩn ngân hàng được tư vấn đầu tư, mua bán trái phiếu; quy định chi tiết loại trái phiếu, tổ chức phát hành trái phiếu mà mỗi ngân hàng được phân phối. Bên cạnh đó, cũng cần quy định tiêu chuẩn nhân sự trực tiếp tư vấn mua bán trái phiếu bởi thực tế trên thị trường, nhân viên tư vấn và môi giới làm việc ở công ty chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề. Cuối cùng, yêu cầu lập hợp đồng tư vấn bằng văn bản khi tư vấn, bán trái phiếu cho khách hàng.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, các DN phát hành đang gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, tín dụng. Thị trường bất động sản khó khăn cũng khiến các DN bất động sản phát hành trái phiếu gặp nhiều thách thức. Nghị định 65/2022 vừa ban hành chưa lâu nhưng thị trường thay đổi, diễn biến nhanh chóng trong tình hình mới. Thực tế này đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi khung khổ pháp lý.
"Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát ngay để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bộ Tài chính đang khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng những vấn đề pháp lý tồn tại liên quan Nghị định 65/2022 và các quy định về thị trường trái phiếu; Chính phủ sẽ xem xét giải quyết trong tháng 12-2022" - Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Dù vậy, theo Bộ Tài chính, việc triển khai Nghị định 65/2022 cùng các biện pháp xử lý nghiêm vi phạm của thị trường trái phiếu DN vừa qua cũng giúp thị trường điều chỉnh và hướng tới hoạt động hiệu quả hơn.
Theo đó, đối với DN phát hành, cần bảo đảm nguyên tắc trái phiếu DN phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. DN phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Do đó, DN phát hành có trách nhiệm tự cân đối dòng tiền để bảo đảm các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.
"Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính, DN phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, bảo đảm uy tín của DN. Các giải pháp cụ thể gồm: cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản bảo đảm, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của DN. Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án" - đại diện Bộ Tài chính lưu ý thêm.
Ưu tiên nới hạn mức cho ngân hàng giảm lãi suất
Ngày 8-12, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết quyết định nới hạn mức tín dụng thêm 1,5%-2% nhằm hỗ trợ các ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng cho DN, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đã đạt 12,2%, tức vẫn còn dư địa 1,8%. Nếu cộng thêm 2% hạn mức tăng thêm, hệ thống ngân hàng sẽ có khoảng 3,8% hạn mức tín dụng cho thời gian tới. "Dư địa hạn mức tín dụng còn lại là khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn ra thị trường. Ngân hàng Nhà nước dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là ngân hàng đang giảm lãi suất. Đây cũng là một trong những chính sách khuyến khích ngân hàng giảm lãi vay" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
T.Phương
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-12
Bình luận (0)