* PHÓNG VIÊN: Sau 3 năm điều hành SIHUB, ông đánh giá thế nào về hoạt động khởi nghiệp tại TP HCM?
- Ông HUỲNH KIM TƯỚC, Giám đốc điều hành SIHUB: Sau 3 năm, chúng tôi đo lường 12 chỉ số của hệ sinh thái, về căn bản tất cả các chỉ số đều gia tăng từ tinh thần khởi nghiệp đến sự tham gia của hệ thống trường đại học, doanh nghiệp (DN), sự phát triển của các tổ chức tài chính đầu tư, khả năng thu hút nguồn vốn, các tổ chức trung gian…
Năm 2017-2018 có sự phát triển mạnh mẽ về thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các chỉ số tăng trưởng về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này: từ khoảng 150 triệu USD của những năm trước lên 297 triệu USD năm 2017, đến năm 2018 lên đến 889 triệu USD, gấp 3 lần năm 2017 và triển vọng tiếp tục tăng trong năm 2019. Các nhà đầu tư thế giới đặc biệt quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á, nhất là TP HCM của Việt Nam bởi họ đánh giá TP HCM giàu có về ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Hơn 60 tổ chức tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… tham gia vào các hoạt động đầu tư khởi nghiệp ở TP HCM và Việt Nam, trong đó có một số quỹ trong nước. Nhiều start-up đã qua khỏi giai đoạn mạo hiểm, tiến vào series B (mở rộng thị trường) và series C (tăng trưởng nhanh). Tiki, Foody có thể thu hút đầu tư 50-60 triệu USD; VNG có tên trong danh sách 10 "kỳ lân công nghệ" của Đông Nam Á…
Ông HUỲNH KIM TƯỚC
* Nói như vậy có nghĩa là thị trường này đang phát triển?
- Đúng là thị trường đang phát triển mạnh và nhiều tiềm năng. Mỗi năm TP HCM có 120.000 kỹ sư ra trường, 300.000 kỹ sư IT… Truyền thông hiệu quả cùng những chủ trương chính sách của TP đang lôi kéo đám đông tham gia khởi nghiệp.
Độ chín chắn của các start-up ngày càng cao, ngày càng nhiều người nhận thức tốt hơn về khởi nghiệp. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa làm được việc quan trọng là xây dựng những hoạt động tiền ươm tạo để trang bị tri thức, tinh thần, tâm thế khởi nghiệp cho cộng đồng. Hiện các đơn vị vẫn còn tổ chức hoạt động tiền ươm tạo này một cách thiếu chuyên nghiệp, thiếu phương pháp luận. Điều này rất nguy hiểm vì dễ đẩy hoạt động khởi nghiệp thành phong trào.
Cần nói thêm rằng từ cuối năm 2018 đến đầu 2019, hoạt động khởi nghiệp có dấu hiệu chững lại, biểu hiện qua sự giảm bớt những hoạt động mang tính chất cuộc thi… Một số cuộc thi về khởi nghiệp khó mời gọi, thu hút thí sinh tham gia. Thực trạng này là hệ quả của những năm trước: nặng tính phong trào, thiếu sự định hướng cũng như truyền thông đào tạo kỹ năng trong hệ thống trường học, trường đại học và các điều kiện khác để trang bị kiến thức cơ bản cho người khởi nghiệp. Nhiều bạn trẻ chưa được trang bị đã nhảy vào khởi nghiệp để rồi nhanh chóng chán nản, bỏ cuộc. Cũng có tình trạng các bạn đem dự án tham gia nhiều cuộc thi, đoạt giải nhưng mãi không mở được công ty.
Một hạn chế nữa là tỉ lệ khởi nghiệp trên nền tảng DN nhỏ và vừa rất cao so với kỳ vọng vào khả năng bứt phá của 1 start-up. Tôi được biết sân bay tại châu Âu đang bán gọng mắt kính giá 400 euro của 1 start-up ở huyện Củ Chi. Để bán được giá đó, bạn ấy phải xử lý tre thành vật liệu đẹp, bền, thiết kế sản phẩm có tính mỹ thuật và đánh trúng tâm lý thị trường châu Âu. Tiếc là các dự án start-up như thế rất hạn chế, đa số chỉ dừng lại ở việc tận dụng nông sản hàng hóa địa phương đem sản xuất công nghiệp rồi bán ra thị trường chứ chưa đầu tư nghiên cứu bao bì, mẫu mã hoặc chế biến tinh để mang lại giá trị cao hơn.
* Còn hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao thì sao?
- Lâu nay chúng ta nói nhiều về khởi nghiệp trong giới trẻ mà chưa quan tâm đúng mức đến đổi mới sáng tạo trong DN, làm cho bức tranh chung về khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo kém đầy đặn.
Cộng đồng start-up Việt Nam đang phát triển nhưng cấp độ còn thấp so với các nước. Thế giới xếp Việt Nam vào các nước khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thu nhập trung bình thấp. Theo thống kê của SIHUB, tại TP HCM, tỉ lệ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, kế đến là IoT (internet vạn vật) và thương mại điện tử. Các dự án khởi nghiệp công nghệ cao còn khiêm tốn, chưa tới 5%; số dự án khởi nghiệp công nghệ cao như AI, blockchain, gien… đếm trên đầu ngón tay.
* Ông có đề cập đến hoạt động ươm tạo. Được biết TP HCM đang tồn tại rất nhiều vườn ươm, các vườn ươm này đóng vai trò thế nào trong bức tranh chung về khởi nghiệp?
- Tại TP HCM có 2 nhóm vườn ươm: vườn ươm thuộc hệ thống nhà nước, trường học và các vườn ươm thuộc tổ chức tư nhân. Các vườn ươm nhà nước vẫn đang hoạt động trong cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, nằm khá xa nội thành, điều kiện đầu tư còn hạn chế nên khó vận hành với chức năng đầy đủ của vườn ươm. Hiệu quả kinh doanh của vườn ươm ở Việt Nam vẫn chưa tốt; vẫn chưa thể thị trường hóa hoạt động này trong khi cơ chế cũ của vườn ươm đang rất khó khăn. Điều đó đặt ra yêu cầu nhà nước phải tạo ra 1 vườn ươm mang tính chuẩn mực để ươm tạo hàng hóa, tạo mô hình cho các vườn ươm khác có thể tham khảo. Trên thế giới, chức năng và nhiệm vụ của vườn ươm đã thay đổi rất nhiều theo hướng tinh gọn, đa năng và ngày càng đi sâu vào mua bán, đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ… có sự kết nối với các tổ chức "mẹ".
Ở ta đang phổ biến công thức chung: khởi nghiệp = vườn ươm + start-up. Việc cần làm là nâng chất lượng đầu vào cho vườn ươm chứ không phải đua nhau lập vườn ươm theo phong trào nhưng không hiểu rõ vườn ươm ươm gì, ai vô ươm, ươm rồi có sống nổi không… Rất nhiều trường đại học đua nhau lập vườn ươm nhưng hoạt động độc lập với các bộ phận khác của nhà trường trong khi lẽ ra phải liên kết chặt để hình thành không gian ươm tạo.
Kết nối toàn cầu
Từ khi thành lập đến nay, SIHUB đã duy trì mô hình hỗ trợ cộng đồng có sự hợp tác giữa nhà nước với cộng đồng, trở thành địa chỉ quen thuộc của cộng đồng khởi nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Năm 2018, SIHUB tổ chức gần 1.000 sự kiện, tiếp hơn 30 tỉnh, thành trong nước và 4 quốc gia tới học tập mô hình.
Năm 2019, SIHUB đặt mục tiêu đẩy mạnh kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, trọng tâm là khu vực châu Âu, Mỹ và Đông Bắc Á. Việc kết nối được thực hiện cả trên offline lẫn online để bằng nhiều cách đưa cộng đồng khởi nghiệp Việt ra nước ngoài học hỏi, cọ xát, tìm cơ hội..., cùng với đó là kéo hệ sinh thái thế giới vào Việt Nam. SIHUB đã ký kết hợp tác trao đổi start-up với 8 quốc gia. Trong năm 2018 đã tổ chức cho 15 start-up đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Phần Lan đồng thời tiếp khoảng 40 start-up các nước sang theo chương trình hợp tác này.
Trong năm 2019, SIHUB cũng sẽ tập trung kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực miền Nam; đầu tư để ngày càng cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho cộng đồng thông qua việc hình thành các thể chế mới. Sẽ hình thành 1 vườn ươm tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc liên kết với các đối tác nước ngoài, hình thành 1 công ty nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa và start-up chuẩn bị lên sàn. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của trung tâm để đáp ứng ngày càng tốt hơn cho cộng đồng khởi nghiệp thông qua các studio lab, phòng làm mẫu, trung tâm thiết kế và đặc biệt hợp tác với Hàn Quốc hình thành Global RD Center. Tất cả chi phí đều xã hội hóa.
Bình luận (0)