Ông Phạm Quang Diệu, Công ty Agromonitor (chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo), nhìn nhận trong 5-7 năm gần đây, xuất khẩu gạo nước ta có tiến triển lớn khi các thương nhân quốc tế công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn. Thậm chí, thương nhân Thái Lan đang lo ngại sức cạnh tranh của gạo Việt Nam có thể khiến Thái Lan mất thị phần. Đáng chú ý, nếp của Việt Nam tăng trưởng nhanh khi chiếm tới 70%-80% tổng xuất khẩu toàn thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận xét trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỉ USD cho thấy hàm lượng giá trị xuất khẩu của gạo Việt đã rất tốt. Tuy nhiên, ông Toản lưu ý giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân nên cần có giải pháp giúp hạ chi phí đầu vào.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh
Về giải pháp khơi thông thị trường, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, trong đó có phòng vệ thương mại, an ninh lương thực, hạn ngạch, thuế quan… để tạo điều kiện cho DN xuất khẩu. "Người dùng thế giới hiện nay chú trọng "ăn ngon mặc đẹp", ý thức ăn gì để cho khỏe, đẹp. Vì thế, ngành gạo cần tập trung sản xuất để có sản phẩm tốt, có thương hiệu, chất lượng cao, hướng đến người dùng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Điều quan trọng nhất là phải bán được giá tốt" - bà Thùy gợi ý.
Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chỉ ra điểm nghẽn của sản xuất lúa gạo là sản lượng không ổn định do không có vùng nguyên liệu cụ thể cho từng nhóm, sản xuất manh mún. Từ đó kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm… Vì vậy, để nâng cao giá trị lúa gạo, ngành cần giải quyết 3 vấn đề lớn: hình thành vùng nguyên liệu, giám sát chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, quan tâm đến hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics. Theo bà, 80% lượng hàng xuất khẩu của ĐBSCL đi qua cửa ngõ TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu làm chi phí vận chuyển tăng cao. Theo thống kê, chi phí logistics chiếm 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam, trong khi thế giới chỉ là 10,6%. Riêng với nông sản của ĐBSCL, chi phí logistics chiếm đến 30% giá thành. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL.
Bình luận (0)