Đánh giá về tình hình kinh tế, ông Trần Du Lịch đánh giá xuất hiện nhiều yếu tố tích cực. Cụ thể 5 tháng đầu năm tăng trưởng tính dụng có tín hiệu khả quan; nghẽn về nợ xấu, tín dụng đã thông một chút. Chỉ số về giá cả, nhiều năm nay ông Lịch theo dõi chưa có năm nào mà chỉ số lạm phát thấp như 5 tháng đầu năm 2015.
Tuy nhiên, nền kinh tế xuất hiện trở lại 2 vấn đề tồn tại nhiều năm. Đó là vấn đề tái nhập siêu. “Đây là bệnh trầm kha của tái kinh tế chứ không phải là điều hành giỏi hay dở. Nhiều năm nền kinh tế đặt vấn đề tái cấu trúc, công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Trước Đại hội lần thứ XI của Đảng, chúng ta đặt ra cả một chương trình nhưng chưa có bài thuốc nào chữa bệnh từ gốc. Nếu như đầu tư tăng trở lại, kinh tế tăng trở lại thì nhập siêu sẽ tăng nhanh, không thể nào khác được” – Tiến sĩ Lịch nói.
Tồn tại thứ 2 của nền kinh tế theo vị đại biểu là chuyên gia kinh này là nền nông nghiệp bấp bênh. Ông Lịch nêu một thực tế là nền nông nghiệp bán thứ sản xuất được chứ không phải bán thứ thị trường cần. Tiến sĩ Lịch cũng nêu một thực tế mà nhiều đại biểu trăn trở, đó là Nhà nước để người nông dân làm theo phong trào, chịu tác động thị trường. “Gần đây người dân bỏ mọi thứ để đi trồng mắc ca. Quản lý nhà nước gì mà cứ để người dân làm tự phát. Người nông dân đang chao đảo. Việc này rất nguy hiểm. Những vấn đề này phải đem ra mổ xẻ cụ thể và khuyến nghị cụ thể như thế nào đây” – ông Lịch nêu. Theo ông Lịch, nguyên nhân là quá chậm tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nếu không sửa được gốc đó thì chúng ta cứ xoa thế này thì nó xoay qua xoay lại hoài.
Ngoài ra, ông Lịch cũng cảnh báo chủ trương xã hội hóa sân bay, bến cảnh, đường xá, các công trình lớn. Ông Lịch đề nghị phải theo dõi chủ trương xã hội hóa. Theo ông Lịch, chủ trương này là đúng nhưng dường như một số doanh nghiệp trong nước muốn quản lý các công trình đó mà không bằng nguồn lực riêng của mình.
“Tôi nghi ngờ, nói nôm na là doanh nghiệp đi vay để làm việc này. Tôi đề nghị Chính phủ phải kiểm soát kỹ, chặt chẽ vấn đề này. Không cho phép “bơm” từ ngân hàng thương mại tiền để các doanh nghiệp mua sân bay. Tiền ngân hàng để giúp toàn bộ doanh nghiệp phát triển chứ không dồn cho một hoặc 1 ông lấy tiền mua sân bay, cái nọ cái kia. Nếu muốn mua phải mua bằng tiền thật của các ông” – ông Lịch nhấn mạnh.
Đồng tình, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho biết tình cờ đọc một bài báo của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu 15 năm về trước nói về tình hình nông nghiệp. Bài báo nêu tình hình nông nghiệp nan giải, người sản xuất nông nghiệp dồn vào thế bí, vừa bị giảm giá, vừa không bán được hàng vừa phải đối mặt với diễn biến mưa lũ. “15 năm rồi, giờ tình hình vẫn như thế. Vừa QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về vấn đề giải quyết sản phẩm nông nghiệp chỉ thấy bộ trưởng tìm con đường bán hàng thôi. Như vậy là không ổn. Phải có giải pháp gì căn cơ hơn” – bà Dung cho hay.
Đề cập về tình hình Biển Đông, bà Dung nói người dân đang có nhiều bất bình trước tình hình này. Giờ Trung Quốc mở rộng các đảo, lấn chiếm như thế nhưng truyền thông về vấn đề này còn hạn chế. Những điều đó làm cho người dân không yên tâm, không chỉ về tâm tư, tình cảm, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. "Người dân không yên tâm sao dám đầu tư phát triển" - đại biểu Dung băn khoăn và đề nghị Chính phủ phải thường xuyên thông tin chính thống về chủ quyền quốc gia cho dân, mặc dù Bộ Ngoại giao đã đưa ra tuyên bố.
Bình luận (0)