Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh trao đổi với báo Người Lao Động về sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đến các sân bay, sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không.
Cục Hàng không đã có ý kiến gì đề xuất muốn nhượng quyền khai thác sân bay của nhiều doanh nghiệp như Vietjet, Vietnam Airlines hay tập đoàn T&T...?
Ông Lại Xuân Thanh: Đề xuất của các doanh nghiệp (DN) mới chỉ dừng lại ở bước đầu. Việc xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không là một vấn đề lớn nên Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện đề án xã hội hóa và cho phép xây dựng đề án thí điểm.
Chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ làm thí điểm trên cơ sở hoàn thiện đề án xã hội hóa, vì yêu cầu của hàng không rất đặc thù, đặc biệt là kết cấu hạ tầng, do đây là một phần quan trọng của giao thông quốc gia, liên quan đến an ninh quốc phòng, vùng trời, quản lý điều hành bay… Tất cả những điều này phải được cân nhắc thận trọng khi đặt trong câu chuyện xã hội hóa và hệ thống văn bản pháp luật phải giải quyết được những vấn đề này.
Bộ GTVT sẽ hoàn thiện lại đề án xã hội hóa chung. Trước mắt là đề án thí điểm nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc.
Vậy quá trình chọn nhà đầu tư sẽ đấu thầu công khai?
Đối với nhượng quyền khai thác, do có nhiều nhà đầu tư quan tâm nên theo quy định sẽ dùng hình thức đấu thầu để tăng được lợi ích cho nhà nước.
Sau đấu thầu chỉ còn một đơn vị khai thác, dư luận lo ngại liệu có tình trạng độc quyền về dịch vụ, giá ở các sân bay?
Vấn đề chống độc quyền cũng sẽ phải được đặt ra trong đề án xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không. Nhà nước phải có nhiệm vụ phải chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Chúng tôi đang nghiên cứu soạn thảo đề án về quản lý giá, đối với Luật Hàng không sửa đổi cũng sẽ quy định rõ nhà nước quản lý toàn bộ dịch vụ hàng không tại một sân bay, kể cả những giá dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại sân bay. Đây là một biện pháp mạnh để đảm bảo tính độc quyền, tính cạnh tranh.
Và trong dự thảo sắp tới về quản lý khai thác cảng hàng không sân bay, chúng tôi cũng dành hẳn một chương về nhượng quyền khai thác kết cấu cảng hàng không với những giải pháp lớn.
Ngoài giá còn phải đảm bảo quyền kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại sân bay không thể bị xâm phạm bởi đơn vị khai thác sân bay. Nhà nước sẽ quản lý để đảm bảo dù người khai thác là ACV (Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam) hay nhà đầu tư khác, thì quyền và điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp tại sân bay là bình thường. Vai trò của nhà nước lúc này sẽ rất quan trọng.
Dự kiến khi nào đề án sẽ hoàn tất và tiến hành các bước tiếp theo, như đấu thầu chọn doanh nghiệp khai thác sân bay, thưa ông?
Chúng tôi đang thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT, dự kiến trong khoảng 1 tháng trở lại chúng tôi sẽ hoàn thiện và sau đó là các bước trình, xem xét phê duyệt rồi lấy ý kiến rộng rãi từ doanh nghiệp và công luận.
Riêng với sân bay Tân Sơn Nhất, đã có nhà đầu tư nào quan tâm “mua” chưa?
Theo thông tin của tôi đến thời điểm này thì chưa có nhà đầu tư nào bày tỏ, nhưng tôi cũng chưa chắc chắn.
Xin cám ơn ông!
Bình luận (0)