Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố kết quả xếp hạng 63 tỉnh, thành về công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2017. Theo đó, có 13 tỉnh thành được xếp vào nhóm "tốt", 50 tỉnh thành xếp vào nhóm "đạt yêu cầu", không có địa phương nào cần "rút kinh nghiệm" hoặc không nộp hồ sơ tự đánh giá như lần công bố xếp hạng năm 2015.
Trong nhóm các tỉnh xếp vào nhóm triển khai tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Trà Vinh xếp vị trí số 1 với điểm số 87,5/100, xếp sau là Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Sơn La, Quảng Bình, Đồng Nai, Lai Châu, Bình Phước, Quảng Ninh (điểm từ 81,5 đến 87/100).
Tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng là Phú Yên 60 điểm; Gia Lai, Bắc Kạn, Bắc Giang, Khánh Hòa ở vị trí liền kề (từ dưới lên), cùng 60,5 điểm và cùng xếp vào nhóm "đạt yêu cầu" với số điểm từ 61 đến 79,5. Hà Nội, TP HCM cũng thuộc nhóm "đạt yêu cầu" với số điểm lần lượt là 76 và 75.
So với bảng xếp hạng năm 2015 (công bố vào năm 2016), Hà Nội bị tụt hạng, từ nhóm "tốt" xuống nhóm "đạt yêu cầu" còn TP HCM giữ nguyên.
Bảng công bố xếp hạng các địa phương về công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản dựa trên bộ tiêu chí và quy trình đánh giá xếp hạng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành vào cuối năm 2015, áp dụng cho tất cả các tỉnh thành trong triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kinh doanh nông sản thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM)
Nội dung đánh giá, xếp hạng là khối lượng, chất lượng hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo phân công, phân cấp cũng như hiệu quả, tác động thực tế của công tác quản lý.
Cụ thể, 5 lĩnh vực được đưa vào tiêu chí đánh giá xếp hạng gồm: công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (quan trọng nhất, tối đa 60 điểm); tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm (tối đa 15 điểm); chỉ đạo, điều hành công tác quản lý an toàn thực phẩm (tối đa 10 điểm), hoạt động tăng cường năng lực công tác quản lý an toàn thực phẩm (tối đa 10 điểm), xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (tối đa 5 điểm).
Bình luận (0)