Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ áp dụng các biện pháp bình ổn giá quy định tại điều 17 Luật Giá bao gồm: Thực hiện biện pháp đăng ký giá và quy định giá tối đa (giá trần) đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, quy định áp trần giá sữa lần đầu tiên được đưa ra.
Hai phương pháp định giá
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ Cục Quản lý giá cho biết đây là biện pháp bình ổn giá cần thiết phải thực hiện để lập lại ổn định thị trường sữa sau hàng loạt sai phạm được thanh tra bộ phát hiện trong đợt kiểm tra việc chấp hành giá và thuế tại 5 doanh nghiệp (DN) sữa lớn chiếm tới 90% thị phần. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào đặc tính và giá trị sử dụng của mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, điều kiện cụ thể về sản xuất, kinh doanh, thị trường, lưu thông hàng hóa… để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp.
Theo vị này, sẽ có 2 phương pháp định giá để lựa chọn, gồm phương pháp so sánh và phương pháp chi phí. So sánh là phương pháp định giá hàng hóa căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh giữa mức giá và các đặc điểm kinh tế kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến mức giá của hàng hóa tương tự được giao dịch trên thị trường trong nước, có tham khảo giá trên thị trường khu vực và quốc tế.
Còn theo phương pháp chi phí, giá sữa sẽ được tính trên cơ sở chi phí sản xuất - kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và mức lợi nhuận dự kiến (nếu có) phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chính sách của nhà nước có tác động đến giá sữa. Đối với sữa sản xuất trong nước, giá trần được tính theo công thức giá thành toàn bộ + lợi nhuận dự kiến + thuế GTGT và các loại thuế khác (nếu có). Đối với sữa nhập khẩu, công thức tính giá là giá vốn nhập khẩu + chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN, chi phí tài chính (nếu có) + lợi nhuận dự kiến + thuế GTGT và thuế khác (nếu có).
Thị trường đa dạng, khó khả thi
Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra đồng tình với biện pháp này và cho rằng giá sữa ít nhiều sẽ được kiểm soát chặt hơn. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Có thể áp dụng biện pháp tính giá tối đa cho phép với sữa giống như kiểm soát giá xăng dầu”. PGS-TS Ngô Trí Long khẳng định hoàn toàn có thể áp dụng giá trần nếu chứng minh được DN thuộc nhóm thống lĩnh thị trường. Ở đây, nhóm 5 DN chiếm tới 90% thị phần thị trường sữa, tức là đã chiếm vị trí thống lĩnh...
Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Ánh, khó có thể kiểm soát được giá của mặt hàng sữa thông qua giải pháp quy định giá trần. Chuyên gia này cho rằng sản phẩm xăng dầu mang tính đơn nhất, trên thế giới chỉ có loại xăng A92 và A95. Hơn nữa, lại có DN chiếm thị phần chi phối nên việc áp giá là cần thiết. “Dù vậy, quản lý mặt hàng sữa bằng biện pháp quy định giá trần là rất khó vì cách tổ chức của thị trường sữa hoàn toàn khác và sản phẩm cũng rất đa dạng” - ông Ánh nói.
Thực tế, thị trường sữa hiện nay đang cạnh tranh rất khốc liệt với hàng trăm dòng sản phẩm khác nhau. Riêng các công ty lớn chiếm trên 50, chưa kể hàng trăm tổng đại lý. Hơn nữa, 70% thị trường sữa vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập nước ngoài mà từ nguyên liệu sữa bột nhập khẩu đến sản phẩm sữa cuối cùng bán trên thị trường đã có tính chất rất khác nhau.
“Chỉ cần thêm, bớt thành phần là tính chất sữa thay đổi, kéo theo sự thay đổi về giá. Do đó, lấy sản phẩm của DN này so sánh với DN kia đã là rất khó khăn. Không hiểu cơ quan quản lý sẽ áp trần như thế nào. Còn nếu tính theo phương pháp chi phí, theo các chuyên gia, chỉ có DN trực tiếp nhập khẩu hoặc sản xuất mới biết chi phí thực” - TS Vũ Đình Ánh nói.
Phải siết chi phí
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị của các DN làm tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 2,18%-16,39% là quá cao, không thể chấp nhận được. “Người tiêu dùng chỉ phải chi trả cho giá vốn, chi phí, lợi nhuận, quảng cáo trong phạm vi hợp lý. Còn những chi phí vượt quá quy định thì DN phải chịu vào phần lợi nhuận của mình, không thể đổ lên đầu người dân” - ông Long nói.
Bình luận (0)