Muốn đạt mục tiêu nói trên, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, cần thay đổi thói quen của người dân từ dùng thịt “nóng” sang thịt mát, đông lạnh.
Đồng loạt dẹp cơ sở nhỏ lẻ
Theo Chi cục Thú y TP HCM, trên địa bàn hiện có 20 cơ sở giết mổ heo và bò, 1 cơ sở giết mổ gia cầm nhưng đều thuộc loại B theo quy định (3 loại) về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với heo, 3 lò mổ lớn là Xuyên Á, Nam Phong, Vissan đã chiếm hơn 70% sản lượng (khoảng 5.600 con/ngày) giết mổ. Những lò mổ còn lại có quy mô nhỏ lẻ, có nơi chỉ giết mổ 5-20 con/ngày nhưng vẫn phải bố trí lực lượng thú y giám sát.
Từ năm 2013, TP HCM đã có chủ trương chuyển sang giết mổ công nghiệp nên các cơ sở thủ công không dám đầu tư nâng cấp vì không biết khi nào đóng cửa dẫn đến việc kiểm soát an toàn thực phẩm, môi trường (tiếng ồn, mùi hôi) gặp nhiều khó khăn.
Phần lớn thịt tươi sống hiện nay được bán dưới dạng “nóng”, bảo quản trong môi trường bình thường nên tỉ lệ nhiễm vi sinh cao. Do đó, nhiều chủ hàng phải sử dụng hóa chất để xử lý thịt ôi và hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ.
Theo quy hoạch giết mổ từ nay đến năm 2020 vừa được UBND TP HCM phê duyệt, đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ trên địa bàn phải chấm dứt hoạt động (trừ 2 cơ sở ở huyện Cần Giờ, mỗi ngày giết mổ khoảng 20 con heo cung cấp cho địa phương) để chuyển vào các nhà máy tập trung ở Hóc Môn và Củ Chi. Trong đó, 6 nhà máy giết mổ heo, 2 nhà máy chuyên gia cầm và 1 nhà máy giết mổ bò.
Hai lò mổ phải đóng cửa sớm nhất là Nam Phong (quận Bình Thạnh) và Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) từ ngày 30-6, sau đó là lò 213 Bến Bình Đông (quận 8) ngừng hoạt động từ ngày 31-12. Các tiểu thương đang hoạt động tại 3 lò mổ này sẽ chuyển sang cơ sở giết mổ trung tâm ở quận Bình Tân và của Vissan.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đang xây dựng chuỗi thịt heo an toàn. Theo đó, ứng dụng công nghệ thông tin để có thể truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi đến nơi giết mổ rồi đưa vào khu vực bán thực phẩm an toàn. Từ đó, có thể giúp người tiêu dùng phân biệt được thịt sạch và thịt trôi nổi không qua kiểm soát. Khi đó, thịt sạch sẽ có ưu thế trên thị trường, giúp nhà đầu tư làm thực phẩm an toàn phát triển. “Sở Công Thương sẽ họp bàn với chủ đầu tư và các ban ngành liên quan để sớm hoàn chỉnh quy trình cung cấp thịt sạch” - ông Hòa nói.
Thủ tục cản trở quy hoạch
Dù đã được mở lối nhưng chủ các dự án nhà máy giết mổ công nghiệp vẫn lo không kịp hoàn thành vào cuối năm 2017 do thủ tục hành chính quá phức tạp.
Theo ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc HTX Tân Hiệp, chủ đầu tư Nhà máy Chế biến thực phẩm Tân Hiệp (giết mổ 2.000 con heo/ngày), dự án này đã được TP giao đất từ năm 2008 nhưng bị vướng quy hoạch của trung ương. Đến năm 2013, dự án tái khởi động sau khi được điều chỉnh bổ sung với diện tích gần 90.000 m2 nhưng chỉ vì 1.900 m2 (hơn 2%) đất giữa thửa chưa xác định được nghĩa vụ tài chính nên phải dừng lại.
“Nếu đây là đất ngoài bìa, HTX sẵn sàng bỏ để nhà máy sớm hoàn thành. Nếu suôn sẻ, khâu thủ tục phải mất 2 năm. Sau đó, nhà đầu tư còn phải vượt qua các “ải” như đền bù đất, hợp thửa, thẩm định PCCC, đánh giá tác động môi trường… Trước đây, chúng tôi dự kiến vốn cho nhà máy khoảng 200 tỉ đồng nhưng nay đã đội lên 500 tỉ đồng do kéo dài thời gian. HTX mong được tháo gỡ sớm để có thể đi vào sản xuất từ năm 2017” - ông Quang bức xúc.
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Daso, chủ quản Công ty CP Delta (chủ đầu tư nhà máy mổ bò công suất 200 con/ngày tại huyện Hóc Môn) - cho biết nhà máy có vốn đầu tư khoảng 5 triệu USD, chưa kể tiền đất và vốn lưu động nhưng doanh nghiệp không lo, chỉ cần 9 tháng là xây xong nhưng không biết khi nào hoàn thành bởi thủ tục quá phức tạp.
Trước lo lắng của các chủ đầu tư, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, đơn vị chủ trì triển khai quy hoạch giết mổ - cam kết sẽ phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho từng dự án để bảo đảm tiến độ. Trong đó, xem xét những thủ tục có thể tiến hành cùng lúc để rút ngắn thời gian.
Cần thay đổi thói quen
Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia còn thị trường thịt “nóng”. Quá trình tìm kiếm nhà cung cấp dây chuyền giết mổ công nghiệp, khi ông đặt ra yêu cầu giết mổ và pha lóc thịt “nóng”, các đối tác đều tỏ ra ngạc nhiên. Họ cho rằng giết mổ như vậy không thể bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ông Hòa nhận định nếu muốn thị trường có thịt sạch, cần triệt để dẹp thịt bẩn, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu và tiêu dùng thịt mát, thịt đông lạnh. Sau khi giết mổ 8 giờ, thịt sẽ bị ôi trong điều kiện bình thường. “Hiện vẫn phổ biến thịt mổ từ đêm trước, bán đến chiều hôm sau, không hết bỏ tủ lạnh, xử lý bằng hóa chất rồi bán tiếp với giá rẻ thì không thể nào có thịt sạch” - ông Hòa nói.
Bình luận (0)