Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Chính phủ trình Quốc hội cho biết sẽ cần khoảng 10,57 triệu tỉ đồng. Vậy nguồn lực cụ thể được huy động từ đâu?
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Theo tính toán, trong kế hoạch đầu tư công, Chính phủ cần 2 triệu tỉ đồng. Trong đó, trung ương phân bổ 1,2 triệu tỉ đồng, còn địa phương khoảng 880.000 tỉ đồng. Đó mới là đầu tư công thôi, còn nguồn lực tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế thì ít nhất cũng phải gấp 5 lần số này mới có thể thực hiện được. Cho nên chúng ta phải huy động nguồn lực càng nhiều càng tốt, cả nguồn lực trong dân, các thành phần kinh tế chứ không chỉ riêng nguồn lực nhà nước... cho quá trình tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới.
Có ý kiến cho biết Chính phủ đề xuất nới trần nợ công để có dư địa mới cho đầu tư phát triển?
- Nguyên lý chung là nhà nghèo thì ta đi vay để phát triển. Do đó, dẫn đến nhiều ý kiến sao có những nước phát triển mà tỉ lệ nợ công của họ hơn 100%, thậm chí 200% trong khi mình cứ 65%?
Chính phủ đã tính toán rất kỹ bởi trần nợ công cũng quan trọng nhưng không phải tất cả. Cái chính là phải có khả năng trả nợ. Thực tế, theo thông lệ quốc tế, tỉ trọng nghĩa vụ của ngân sách nhà nước trên thu ngân sách 25% là giới hạn rất khó khăn nhưng năm 2015 mình đã đạt mức trên 27% và năm 2016-2017 lên đỉnh của nợ rồi. Vì vậy, nếu nới trần lên thì áp lực trả nợ lớn hơn rất nhiều.
Để bảo đảm bền vững an toàn nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 55% cho đến tận năm 2020. Chỉ có vậy mới kiểm soát được tỉ lệ trả nợ.
Giải pháp nào để nợ công không vượt trần mà vẫn bảo đảm nguồn lực để đầu tư phát triển?
- Để đất nước phát triển, phải có thể chế để huy động được cao độ nguồn lực. Trong đó, Chính phủ đang đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, sáng tạo bởi nguồn lực trong dân còn rất lớn khi kiều hối về nhiều, ngoại tệ, vàng trong dân cũng còn nhiều. Hơn nữa, tái cơ cấu đầu tư công phải nằm trong tái cơ cấu lại thu chi ngân sách, bảo đảm bền vững, an toàn nợ công và muốn như thế thì ngân sách phải đầu tư vào những vấn đề thiết yếu, có tính chất làm mồi. Phấn đấu làm sao tỉ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội giảm và hiệu quả đầu tư phải cao lên mới đạt mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công.
Kế hoạch 5 năm chốt vậy rồi, từng năm dựa trên cơ sở đó mà làm. Phải siết chặt kỷ luật tài khóa, coi tiết kiệm là quốc sách, cố gắng phấn đấu tăng thu để tăng chi, chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại nợ cho đời sau. Vay thì phải trong khả năng trả nợ, dứt khoát không nới trần nợ công.
Quyết tâm tái cơ cấu kinh tế
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải có quyết tâm chính trị thực sự cao để thực hiện tái cơ cấu kinh tế. “Nếu không đủ quyết tâm sẽ vẫn cách làm cũ, không ăn thua” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nêu rõ cần có nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu hàng loạt lĩnh vực và cần tập trung vào một số thế mạnh của Việt Nam. Thứ nhất là thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao. Thứ hai là thế mạnh về du lịch. Thứ ba là nắm bắt được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - nền kinh tế số.
T.Dương
Bình luận (0)