Không ít doanh nghiệp (DN) đã và đang khẳng định vị thế vững chắc ở thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu và lấn sân sang những thị trường tiềm năng, khó tính.
Đi trước
Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, kể: Nhiều năm trước, khi các DN còn đang loay hoay tìm cách cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ là hàng trôi nổi, trốn thuế thì Lập Phúc quyết định đầu tư vốn nhập máy móc, công nghệ từ nước ngoài để sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác. Đến nay, Lập Phúc đã có chỗ đứng trong ngành và được công nhận là DN công nghệ cao nên không phải đóng thuế thu nhập DN. Toàn bộ tiền miễn thuế được dùng để tái đầu tư cho sản xuất, mua sắm thiết bị nhằm nâng cao năng suất.
Đang tham gia vào chuỗi cung ứng của 1 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chấp nhận lợi nhuận bấp bênh vì phải đầu tư số tiền lớn để cải tiến công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất nhưng ông Đỗ Phước Tống - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Thủ Đức, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh - lạc quan cho biết đã nhìn thấy cơ hội thành công ở phía trước. Theo ông Tống, vấn đề của DN ngành cơ khí không phải là thiếu tiền mà là đầu tư vào lĩnh vực này rất khó thu hồi vốn. TP HCM đã có chính sách hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo nhưng DN phải mạnh, có vốn đối ứng và tài sản thế chấp mới được vay nên rất ít DN tham gia dự án.
“Công ty tôi có dự án vốn đầu tư hơn 26 tỉ đồng, được vay 18 tỉ đồng theo Quyết định 33/2011 của UBND TP HCM trong thời hạn 7 năm. Theo dự án này, chúng tôi mua máy móc, thiết bị từ Nhật Bản, Đài Loan, Ý để nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó tiếp cận khách hàng tốt hơn. Hiện tại, những nhà sản xuất lớn như Intel, Samsung… vào Việt Nam là kéo theo hàng loạt DN vệ tinh cung ứng linh phụ kiện cho họ. Nếu DN Việt không đầu tư công nghệ để tham gia chuỗi hoặc không có những cam kết cụ thể thì chẳng ai dám mạo hiểm xem mình là “mắt xích” cả !” - ông Tống nói.
Với ngành giấy, Công ty CP Giấy Sài Gòn vài năm trở lại đây đã chi hơn 100 triệu USD từ vốn huy động của nhà đầu tư và vay ngân hàng để đổi mới công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang 23 nước trên thế giới. Ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc công ty, cho biết song song với việc mua công nghệ hiện đại, công ty còn tích cực sáng tạo trong quản lý, vận hành máy móc, thiết bị để có được năng suất tối ưu, giảm giá thành sản xuất. Mặc dù vậy, áp lực trả nợ nhiều lúc lớn hơn tiềm năng thị trường mang lại nên những DN nhỏ không có điều kiện cải tiến công nghệ phải chấp nhận chung sống với khó khăn, co cụm dần.
Giải bài toán vốn, nguồn nhân lực
Giữ vai trò đầu tàu về công nghệ, Khu Công nghệ cao TP HCM đã thu hút đầu tư gần 4,7 tỉ USD, doanh số hằng năm trên 4 tỉ USD, bước đầu tạo dựng nền tảng công nghiệp công nghệ cao ở TP HCM. Ông Dương Minh Tâm, phó ban quản lý, cho biết hầu hết DN hoạt động ở đây đều xem việc đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn. Những DN truyền thống sản xuất nhựa, chất dẻo, cao su… nếu không đổi mới là thua ngay trong hiện tại chứ không chờ tương lai.
Cũng theo ông Tâm, nhà nước có chính sách khuyến khích DN đổi mới công nghệ nhưng nhiều năm nay chính sách không đi vào thực tiễn; cơ chế xin - cho, thủ tục phức tạp… đã cản đường DN tiếp cận sự hỗ trợ của nhà nước. Tất cả chính sách liên quan đến đổi mới công nghệ, thúc đẩy sản xuất đều xoay quanh vấn đề miễn thuế, hỗ trợ tài chính nhưng đó không quan trọng bằng hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ lao động. Lâu nay, nhiều DN cứ nghĩ đơn giản là mua dây chuyền công nghệ nước ngoài về là sản xuất được sản phẩm có giá thành rẻ, sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, cũng dây chuyền đó nhưng sản phẩm làm ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan lại rẻ hơn Việt Nam.
“Nguyên nhân là do các DN Việt thiếu đội ngũ thợ lành nghề nhưng lại thừa kỹ sư không biết về bí quyết công nghệ. Bí quyết này phải học từ thực tiễn nền sản xuất công nghiệp chứ không phải trong trường lớp. Cách đây 10 năm, Khu Công nghệ cao đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sản xuất đèn LED. Đơn vị cũng xin lãnh đạo TP mua 1 máy chế tạo đèn LED nhưng tìm đỏ mắt vẫn không có ai vận hành được máy này. Vì vậy, có thể DN tìm được nguồn tài chính để đổi mới công nghệ nhưng làm sao có được nhân lực vận hành đúng công nghệ đó càng quan trọng hơn” - ông Dương Minh Tâm bộc bạch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-10
Đầu tư hàng triệu USD
Công ty CP Vinamit đã chi 3 triệu USD để nhập thêm máy móc, thiết bị từ Nhật Bản nhằm tạo ra sản phẩm có độ chuẩn xác cao để chinh phục thị trường khó tính châu Âu. Từ năm 2007 đến nay, Công ty CP Nhựa Rạng Đông cũng đã bỏ ra 80-120 tỉ đồng/năm đầu tư cho 2 dòng hàng chủ lực là nhựa giả da và nhựa bao bì. Mới đây, Nhựa Rạng Đông tiếp tục đầu tư 1 máy thổi màng đa lớp trị giá 46 tỉ đồng để sản xuất bao bì nhựa cung cấp cho thị trường trong nước và đang cân nhắc đầu tư thêm 1 dây chuyền công nghệ hiện đại để làm hàng xuất khẩu sang Nhật...
Bình luận (0)