Phóng viên: Luật Nhà ở (sửa đổi) có nội dung cho phép người nước ngoài được mua nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Nghị quyết 19 có hiệu lực từ 1-1-2009 đã cho phép người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng sau 5 năm thực hiện, mới chỉ có 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Điều này cho thấy nghị quyết này có nhiều điểm hạn chế.
Khi cá nhân, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam làm việc, bên cạnh môi trường kinh doanh cạnh tranh, họ cũng mong muốn có chỗ ở ổn định. Được sở hữu nhà ở, họ sẽ an tâm hơn trong việc đầu tư, làm ăn lâu dài. Qua nghiên cứu, đánh giá cho thấy cần phải mở rộng hơn nữa về đối tượng, điều kiện, cơ chế chính sách cho người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi
Các yếu tố có thể tác động tiêu cực đến kinh tế cũng như an ninh, xã hội có được xem xét, thưa ông?
- Việc mở rộng đối tượng cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam để huy động các nguồn lực giải quyết việc làm cho người lao động, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế nhưng phải trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia.
Thứ nhất, chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà trong các dự án phát triển nhà ở được quy hoạch, không được mua nhà ở của dân trong các khu dân cư hiện hữu. Thứ hai, dự án nhà ở không thuộc khu vực phải bảo đảm an ninh, quốc phòng thì người nước ngoài mới được mua. Khu vực này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể dựa trên tham mưu của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Quan trọng là người nước ngoài khi vào trong nước đã được cơ quan an ninh cho nhập cảnh tức là đã qua một bước lọc rồi.
Vẫn còn ý kiến e ngại khi được mua nhà, người nước ngoài có cơ hội lũng đoạn thị trường BĐS Việt Nam. Vậy quan điểm của ông thế nào?
- Không lo họ đầu cơ nhà ở để kinh doanh vì quy định chỉ cho họ mua nhà thương mại để ở, không được mua nhà ở xã hội tác động đến người nghèo, người thu nhập thấp. Ngay cả quy định cho tổ chức mua đến 30% căn hộ trong một tòa chung cư cũng là để cán bộ, công nhân viên của họ sinh sống, không được kinh doanh, cho thuê. Muốn kinh doanh thì họ phải tuân thủ các quy định của Luật Kinh doanh BĐS như đăng ký, làm các thủ tục, đóng thuế…
Nhưng thưa ông, có lẽ vẫn cần giải pháp quản lý chung việc định cư của người nước ngoài ở Việt Nam khi tới đây, họ được rộng quyền sở hữu nhà ở vì đã có trường hợp hàng ngàn người Trung Quốc tràn vào Vũng Áng được báo chí đưa tin?
- Thực tế là khi chúng ta chưa cho sở hữu nhà ở thì người nước ngoài đã ở Việt Nam rồi; nhiều người thuê nhà, sinh sống, sinh con đẻ cái ở Việt Nam. Cần có giải pháp tổng hợp của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có địa phương vì liên quan đến an ninh trật tự, quốc phòng… chứ không riêng quy định quản lý ở Luật Nhà ở. Nếu đưa ra các giải pháp bắt kịp xu hướng, cho họ quyền sở hữu nhà thì khi đó đương nhiên chúng ta có căn cứ pháp lý để quản lý họ.
Bình luận (0)