Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 chủ đề “Tương lai thuận buồm xuôi gió” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) Vương quốc Anh phối hợp tổ chức ngày 3-11 tại TP HCM.
Qua thời dựa vào nhân công giá rẻ
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, quá trình hội nhập của Việt Nam thời gian qua đã giúp nền kinh tế phát triển, là trọng tâm tạo cho Việt Nam tiếp cận với thế giới, thúc đẩy thương mại cũng như hoàn thiện thể chế trong nước.
Về môi trường đầu tư, chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư có sân chơi bình đẳng, đó là thể chế. Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư trong thời gian tới nhưng theo hướng phát triển bền vững với môi trường. Theo đó, sẽ có những điều kiện về môi trường để bảo đảm đầu tư ở Việt Nam không phải bằng mọi giá mà thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có lợi thế, kỹ thuật công nghệ cao, bảo đảm môi trường và đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Nếu trước đây, Việt Nam dùng nhiều nguồn nhân công giá rẻ và nhiều vốn để tăng trưởng thì nay đã không còn phù hợp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, phát triển theo hướng tăng năng suất lao động và sử dụng chất xám trong thúc đẩy sản xuất, thay đổi cả chiều rộng và chiều sâu. “Khi yếu tố nhân công giá rẻ và vốn không còn nhiều, các yếu tố về tri thức sẽ là mục tiêu, áp dụng nhiều kỹ thuật công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động hơn. Chúng tôi đặt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực” - Phó Thủ tướng thông tin đến các nhà đầu tư.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh REE, gần đây Chính phủ thường đề cập việc xây dựng môi trường kiến tạo nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh để có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) nhưng Chính phủ kiến tạo cụ thể sẽ làm gì để DN làm ăn thuận lợi hơn, không phải xin - cho quá nhiều?
“Sẽ không có vấn đề xin - cho mà Chính phủ kiến tạo sẽ đưa ra các chính sách giúp tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ của luật pháp cho phép để DN và người dân phát huy hết tiềm năng của mình. Chính phủ sẽ minh bạch trong các chính sách, áp dụng chung cho tất cả đối tượng để tạo sân chơi bình đẳng” - Phó Thủ tướng khẳng định với cộng đồng DN và nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển và nhà đầu tư có thể kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao hay không, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong những năm qua và có thể đã tới giới hạn nhưng Chính phủ đang đặt ra mục tiêu phát triển bền vững với mức tăng trưởng hợp lý. Dự kiến, trong 5 năm tới, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ từ 6,5%-6,7% với những nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá để tác động đến môi trường.
Áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực
Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể sẽ kết thúc năm nay với vị trí là một trong những quốc gia có sức tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á. Sức tăng trưởng của các thị trường mới nổi, động lực cho sức phát triển kinh tế mạnh mẽ toàn cầu đang chững lại nhưng Việt Nam phần lớn đã bứt phá khỏi tác động của điều này. Lĩnh vực sản xuất chiếm tỉ trọng cao trong xuất khẩu của Việt Nam sẽ là tiền đề để các tập đoàn đa quốc gia mở rộng phát triển tại đây hoặc dịch chuyển từ các trung tâm khác trong khu vực.
Ông Stephen Groff - Phó Chủ tịch khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - nhận xét nếu trước đây, Trung Quốc là công xưởng của thế giới thì hiện có rất nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam vì chi phí lao động và chi phí đầu vào thấp hơn. Có điều, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể, chiến lược nào để tiếp tục duy trì lợi thế này, nhất là trong bối cảnh các cam kết trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Việt Nam cũng cần quan tâm tới chuỗi giá trị và phát triển hơn các ngành xuất khẩu và cả những mặt hàng nhập khẩu đang lệ thuộc vào một số thị trường…
Dù lĩnh vực sản xuất đang thúc đẩy nền kinh tế và nhiều nhà đầu tư tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến nhưng theo các chuyên gia, cần phải có chiến lược tận dụng để thu hút thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Phải có những lĩnh vực khác nhảy vọt chứ không chỉ các mảng tận dụng nhiều lao động bởi Việt Nam đang bị cạnh tranh từ các thị trường khác trong khu vực. Dù xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm và tiếp tục phát triển nhưng nhìn sang các nước, Thái Lan hay Malaysia đã trải qua quá trình công nghiệp hóa khá lâu và đang ở giai đoạn kế tiếp. Đặc biệt, các nước này vẫn là những điểm thu hút vốn ngoại cạnh tranh với Việt Nam.
Vậy Việt Nam đối phó thế nào với các đối thủ cạnh tranh hiện nay? Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, cho rằng nếu năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng nhanh thì sẽ tiếp tục duy trì được mức độ cạnh tranh. Với chi phí và giá thành sản phẩm hiện nay, các quốc gia như Myanmar, Campuchia… đang nổi lên và vấn đề đặt ra là Việt Nam làm sao xử lý các thách thức để tận dụng cơ hội?
Xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam dù cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của ASEAN, thua Malaysia. Do đó, Việt Nam cần phải cải tổ nhiều hơn trong lĩnh vực tư nhân để bắt kịp hòa nhập khu vực và thế giới. “Có rất nhiều câu chuyện thành công, xếp hạng về giáo dục ở bậc tiểu học thì Việt Nam còn cao hơn Mỹ nhưng ở cấp độ trung học thì yếu. Vì thế đào tạo nguồn nhân lực phải là mục tiêu được chú trọng” - ông Sebastian Eckardt nhìn nhận.
42 doanh nghiệp châu Âu tìm cơ hội kinh doanh
Ngày 3-11, tại Hà Nội, ông Phil Hogan, Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Liên minh châu Âu (EU), cùng đoàn đại biểu cấp cao gồm 42 DN châu Âu trong lĩnh vực nông sản - thực phẩm đã cùng nhiều DN Việt Nam dự hội thảo với chủ đề “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: An toàn thực phẩm và cơ hội tiếp cận thị trường cho nông sản - đồ uống” do Phái đoàn EU tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Liên quan đến yêu cầu các sản phẩm nông sản - thực phẩm vào thị trường EU, Cao ủy Phil Hogan cho biết người tiêu dùng châu Âu luôn muốn biết thực phẩm tiêu dùng đến từ đâu, được sản xuất như thế nào. Các sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phúc lợi, truy xuất nguồn gốc…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Hữu Hào cho biết hiện nay, sản phẩm nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường 160 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của EU trong việc nâng cấp trang thiết bị các phòng kiểm nghiệm, đào tạo tập huấn cho cán bộ làm việc trong phòng kiểm nghiệm để kiểm tra phân tích những tồn dư thuốc bảo vệ thực vật với hàm lượng dù là rất nhỏ trong sản phẩm, hỗ trợ đào tạo thanh tra viên trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm… D.Ngọc
Bình luận (0)