Ngày 2-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Tăng GDP 6,7% là tương đối cao
Về nội dung tái cơ cấu, theo đại biểu (ĐB) Phạm Quang Dũng (Nam Định), tái cơ cấu ngân sách nhà nước là chìa khóa của thành công. Bởi 5 năm qua, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhưng kết quả tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư, mà đầu tư là vay từ ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ nên chất lượng tăng trưởng không bền vững, năng suất lao động, thu nhập thấp…
“Nguồn lực, dư địa còn nhiều nhưng vấn đề là khai thác được hay không? Vốn của nhà nước nằm trong doanh nghiệp (DN) nhà nước không phải là ít. Bên cạnh đó, có nguồn lực còn nhiều hơn là tài sản của cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công. Hai nguồn tài sản này, theo nhiều tính toán, là khoảng 500 tỉ USD. Biết khai thác, tận dụng, phân bổ lại nguồn lực này trong chu kỳ tái cơ cấu tới sẽ là cú hích cho tăng trưởng kinh tế” - ông Dũng phân tích.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng trong bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao.
“Nền kinh tế thế giới chưa khởi sắc, trong nước gần 60% DN kinh doanh không có lãi… Dựa trên cơ sở nào để Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017. Nhưng vấn đề chính nằm ở chỗ thu - chi ngân sách, nợ công đều được lập trên cơ sở tăng trưởng của GDP và nếu tăng trưởng không đạt chỉ tiêu thì sẽ có hiệu ứng “domino” đến các chỉ tiêu khác. Điều này chúng ta đã nhìn thấy trong vài năm gần đây. Chính phủ đã có kịch bản xử lý cho tình huống này chưa?” - Chủ tịch VCCI đặt vấn đề.
Kiên quyết bảo vệ môi trường
ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho biết trong thời gian qua, không cuộc tiếp xúc nào mà cử tri lại không phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, vấn đề bức xúc nhất là sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Cử tri mong muốn Chính phủ mở rộng diện bồi thường thiệt hại, xem xét DN trực tiếp bị ảnh hưởng, cần có chính sách hỗ trợ đối với các DN du lịch có nguy cơ phá sản...
Giải trình trước QH về các vấn đề môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Sau một loạt sự cố môi trường cho thấy môi trường chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu đựng thêm được nữa. Vì vậy, việc đổi mới cơ cấu nền kinh tế chính là xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường”.
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra trước đây, môi trường thường đi sau hoạt động phát triển; phát triển trước, làm sạch sau. Nhưng đến nay, vấn đề môi trường phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình phát triển, vấn đề môi trường cần nằm trong dự án đầu tư và trong từng chiến lược, quy hoạch.
Khởi xướng văn hóa từ chức
Nói về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) lưu ý phải tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực, thực tâm... Cần khởi xướng văn hóa từ chức để “những ai thấy mình tài hèn, đức mọn thì tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài”. Ngoài ra, ông cũng đề nghị cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát và giám sát cán bộ, công chức; bảo đảm môi trường liêm chính để những kẻ bất tài không thể và không dám chạy chức, chạy quyền, tham nhũng…
Bình luận (0)