Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến ngày 29-10 của Thủ tướng với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung thảo luận nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân thấp, quy trách nhiệm cụ thể và có chế tài xử lý mạnh mẽ.
Chỉ giải ngân hơn 30% kế hoạch được giao
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết giải ngân vốn ODA tính đến thời điểm này ước đạt 18.089 tỉ đồng, bằng 30,15% kế hoạch được giao. Tuy đây là mức giải ngân cao so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19; vướng mắc trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách mới ban hành, buộc các dự án phải điều chỉnh, thay đổi thiết kế, tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư... Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA...
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương mới đạt 30% trong tổng vốn phân bổ là 5.054 tỉ đồng cho 6 dự án ODA của TP. Trong khi đó, dự kiến giải ngân năm 2020 của nguồn vốn này phải đạt 40,8%. Đáng lưu ý, nguồn vốn khoảng 2.500 tỉ đồng bố trí cho dự án tuyến metro số 1 và số 2 chưa giải ngân bởi vướng mắc tỉ giá đồng yen và đồng Việt Nam. Nếu giải ngân được nguồn vốn này, tỉ lệ giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương của TP sẽ đạt 80%-90%.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TP HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT sớm xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương bằng tiền đồng cho dự án metro số 1 và số 2. Trường hợp nếu không giải ngân kịp trong năm 2020, Chính phủ cho phép điều chuyển và giải ngân vào đầu năm 2021. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét gia hạn Hiệp định vay VN11-P7 của dự án metro 1 đến ngày 31-10-2021 để làm cơ sở giải ngân hết số vốn vay ODA của hiệp định và bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xúc tiến làm việc với phía Nhật Bản để hoàn tất thủ tục cho khoản vay cuối cùng của tuyến metro số 1 khoảng 33 tỉ yen trước ngày 30-6-2021.
Thuộc nhóm địa phương có tốc độ giải ngân thấp nhất nước, TP Cần Thơ thừa nhận nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ nằm ở công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư phát sinh so với dự án được duyệt, người dân thường xuyên khiếu nại về mức bồi thường. Ngoài ra, còn có tình trạng gặp vướng mắc về thanh toán với đối tác dẫn đến thanh toán chậm hơn khối lượng thực hiện.
TP HCM kiến nghị sớm xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương bằng tiền đồng cho dự án metro số 1 và số 2. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chấm dứt tình trạng trì trệ
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các địa phương tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA. "Chỉ khi nào quyết tâm đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được, còn làm việc nửa vời thì không ổn" - Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh ODA là một nguồn lực quan trọng trong phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh thiếu nguồn vốn phát triển và đang tồn tại nhiều vấn đề bức xúc về phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông, Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành phải có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực. Theo đó, ngoài tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính cần phối hợp để làm rõ lộ trình, cách làm thuận lợi, bài bản, thống nhất hơn cho kế hoạch vốn ODA trung hạn 5 năm, từ 2021-2025.
"Các bộ, ngành, địa phương phải để tâm vào chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ. Chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu; cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, tiêu cực, vì lợi ích nhóm…" - Thủ tướng lưu ý.
Không chấp nhận tình trạng "có tiền mà không tiêu được", "không phát triển được" và "cứ cam chịu nghèo", Thủ tướng nhắc trong các tháng cuối năm, cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa lượng vốn còn tồn đọng khoảng 41.000 tỉ đồng, tương đương 69% kế hoạch giao. "Cuối năm sẽ kiểm điểm, phê bình địa phương nào chây ì, không làm tốt" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)