Đánh giá về diễn biến giá cả thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng vừa qua sự thay đổi không tích cực về giá, nhất là giá xăng dầu đã diễn ra quá nhanh, nằm ngoài dự đoán. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để điều hành giá các mặt hàng thiết yếu.
Về điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã kìm được mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới. Nếu như giá xăng dầu thế giới biến động từ 44%-60% (tùy mặt hàng) thì ở Việt Nam chỉ biến động trên 20%-39%. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định trong tháng 3, cơ bản chúng ta đáp ứng được nhu cầu xăng dầu cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Bộ đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nếu không có diễn biến quá bất thường, chúng ta vẫn bảo đảm được nguồn cung xăng dầu trong quý II. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bàn với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước để có biện pháp phù hợp nhằm đáp ứng nguồn cung trong quý III.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp Ban Chỉ đạo điều hành giá Xăng dầu tăng giá tạo áp lực lớn với vận tải
Về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết mặc dù chịu tác động lớn của giá xăng dầu nhưng trong giỏ hàng, quyền số mặt hàng xăng dầu không cao như các nước, chỉ chiếm hơn 3%.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá sức ép từ biến động giá xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới, cũng như những chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước đang gây áp lực lớn đối với công tác điều hành giá ở trong nước.
Vì vậy, các bộ, ngành không được chủ quan và cần thực hiện tốt các giải pháp điều hành giá trong tháng 3 và quý II/2022. Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, tác động của cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đối với giá cả xăng dầu thế giới và những mặt hàng thiết yếu, qua đó đánh giá tác động đối với thị trường trong nước để đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
Đối với điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đây là mặt hàng thực hiện bình ổn giá. Chúng ta có quỹ bình ổn giá nhưng thời gian qua đã chi ra để kìm tốc độ tăng giá xăng dầu nên dư địa điều chỉnh không còn. Trên cơ sở đề xuất của liên Bộ Tài chính - Công Thương, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Nếu được thông qua, chúng ta sẽ điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới từ ngày 1-4-2022.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình để bảo đảm đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể. "Không để xảy ra tình trạng nguồn cung không thiếu nhưng đưa hàng hóa ra thị trường không kịp thời dẫn đến giá cả biến động, dư luận phản ứng" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá. Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước, các địa phương quản lý địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để quản lý chặt chẽ từng mặt hàng cụ thể theo đúng quy định của pháp luật về giá. Những vấn đề vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.
Bình luận (0)