Cục Thuế TP HCM vừa ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỉ đồng đối với một cá nhân chuyên viết chương trình trò chơi được tải nhiều trên mạng xã hội Facebook, Google, YouTube... và chạy quảng cáo trên các chương trình này. Người này được trả hơn 41 tỉ đồng trong 2 năm 2016, 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế.
Kiếm tiền xuyên quốc gia
Đây là lần đầu tiên một cá nhân nhận thu nhập từ nước ngoài bị truy thu thuế với số tiền lớn như vậy. Một người khác có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam, tạm trú ở TP HCM cũng được các trang mạng nước ngoài trả khoản tiền ước tính 20 - 30 tỉ đồng và cũng chưa kê khai nộp thuế. Khi cơ quan thuế mời lên làm việc thì người này không còn ở địa chỉ tạm trú. Cơ quan thuế đã gửi thông tin cho Cục Thuế Quảng Nam để tiếp tục xử lý.
Những vụ việc trên được phát hiện khi cơ quan thuế đề nghị các ngân hàng (NH) rà soát những khoản thu nhập được chuyển từ Google, Facebook, YouTube... nhưng không khấu trừ thuế. Những người am hiểu về lĩnh vực này cho biết 2 trường hợp nêu trên không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam vì hầu hết đều không công khai thu nhập. Bằng chứng là Cục Thuế TP HCM mới rà soát tại 4 NH mà phát hiện số tiền các cá nhân nhận được từ Facebook, Google, YouTube… lên tới 500 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, tại Việt Nam, việc kiếm tiền từ các mạng nước ngoài bùng nổ trong 2-3 năm gần đây. Hàng ngàn người đang tham gia các hoạt động như làm game, viết phần mềm rồi đưa lên Play Store, App Store và chạy quảng cáo trong các ứng dụng này để được Google, Apple trả tiền theo từng lượt quảng cáo hiển thị. Họ cũng có thể làm các clip review (nêu cảm nhận) về sản phẩm, phim, ăn uống, du lịch… và đưa lên YouTube để được trả tiền tùy theo số lượt xem. Nhiều người còn kiếm tiền từ việc chạy quảng cáo trên tài khoản cá nhân, group, fanpage của Facebook...
Sản xuất chương trình cho YouTube đang là nghề "hot" của rất nhiều người tại Việt Nam Ảnh: Hoàng Triều
Chỉ cần làm clip hay, "độc" thu hút được nhiều người theo dõi (subscribe) thì lượt xem sẽ tăng theo, mà lượt xem ngày càng lớn thì sẽ được YouTube trả càng nhiều tiền. Một chuyên gia đến từ công ty đối tác của YouTube tại Việt Nam cho biết với mỗi video được tải lên, cứ 1.000 lượt xem thì chủ kênh được khoảng 0,3-0,5 USD, 100.000 lượt xem thì chủ nhân của nó sẽ hưởng 50 USD, 1 triệu lượt xem sẽ được hưởng 500 USD (11,5 triệu đồng). Ở Việt Nam, những người có lượng subscribe lớn, mỗi clip đến hàng triệu lượt xem thì việc kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng là chuyện bình thường.
Kế đến là các lập trình viên, có thể kiếm 500-1.000 USD/người/tháng khá thoải mái. Cá biệt, có người kiếm được 5.000-10.000 USD/tháng dễ dàng nhờ phần mềm của họ hay, được tải, sử dụng nhiều. Nhiều người có vốn mạnh đã xây dựng hẳn công ty, tuyển nhiều lập trình viên để viết các phần mềm. Càng viết được nhiều phần mềm đưa lên các kho ứng dụng thì tiền thu về sẽ tăng theo, thu nhập có thể lên tới hàng triệu USD mỗi năm.
Kiếm khá nhiều tiền từ nước ngoài nhưng vì đây là hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia nên mọi thanh toán, chuyển khoản đều thực hiện trên mạng. Cụ thể, các cá nhân chỉ cần đăng ký tài khoản trên các trang mạng rồi tải lên clip, phần mềm, game... Nếu đạt yêu cầu, các nhà mạng sẽ thanh toán tiền cho các chủ tài khoản qua Paypal, Western Union, tài khoản NH, ví điện tử... Không có hóa đơn, chứng từ hay bất kỳ hợp đồng gì để cơ quan chức năng có thể quản lý và thu thuế. Việc kê khai, đóng thuế phụ thuộc vào ý thức của người tạo ra sản phẩm.
Bịt ngay lỗ hổng
Chuyên gia thuế Chung Thành Tiến cho rằng tuy đã có quy định chung về việc mọi thu nhập đều phải chịu thuế, song do đối tượng điều chỉnh trong luật không bao gồm các hoạt động thương mại điện tử, giao dịch trả tiền viết phần mềm từ nước ngoài nên dẫn đến tình huống nhiều cá nhân có thu nhập mà không tự nguyện nộp thuế.
"Việc không tự nguyện có thể không phải bắt nguồn từ việc cố tình trốn tránh mà do cá nhân không ý thức được việc mình phải nộp thuế hoặc nghĩ việc giao dịch này không nằm trong đối tượng kiểm soát" - ông Tiến nhận xét.
Từ đó, ông Tiến kiến nghị cần có quy định cụ thể trong luật về đối tượng điều chỉnh, cách thức, mức chịu thuế. Muốn làm được việc này phải có cơ sở dữ liệu, công nghệ… đủ mạnh để kiểm soát. "Ngành thuế quyết tâm rà soát và thu thuế những đối tượng này là chủ trương đúng vì sẽ tăng được nguồn thu, chống thất thu thuế. Về phía người bị thu thuế, có thu nhập phải chịu thuế là tất nhiên. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng mà làm theo kiểu gọi từng cá nhân lên khai báo thì e rằng chưa đủ, không kiểm soát được hết. Cần có chính sách lấp lại lỗ hổng này" - chuyên gia thuế Chung Thành Tiến nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, nhấn mạnh về giải pháp kiểm soát tất cả các giao dịch thanh toán qua NH. Đặc biệt, những khoản tiền chuyển ra nước ngoài và ngược lại phải được đưa vào dữ liệu trung tâm. Ngoài ra, Google, Facebook... buộc phải đăng ký tài khoản giao dịch.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nêu kinh nghiệm một số nước là ghi nhận doanh thu của bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào liên quan đến mạng xã hội như Google, Facebook… qua hệ thống kiểm soát đặc biệt. Mỗi năm, cá nhân, doanh nghiệp đều được nhận mẫu kê khai và báo cáo cho cơ quan thuế. Nhờ đó, dù còn gian lận thuế nhưng con số này cũng được hạn chế rất nhiều.
Góp ý thêm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mọi cá nhân, tổ chức khi không ý thức được mình phải đóng thuế thì họ sẽ tìm mọi cách trốn thuế, tránh thuế. Do đó, cơ quan quản lý cần có chương trình khuyến khích các thành phần kinh tế đóng thuế theo luật định. "Cơ quan thuế cũng phải có danh sách riêng của mình để đối chiếu với danh sách do cá nhân, doanh nghiệp tự kê khai. Bên cạnh đó, bắt buộc các thành phần kinh tế phải làm báo cáo, có kiểm tra giữa người làm báo cáo với số liệu cơ quan thuế để xác định số thuế phải trả" - ông Hiếu đề xuất.
Thắt chặt thu nhập qua ngân hàng
Về kiểm soát thu nhập chịu thuế, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng có những điểm cần phải thực hiện. Một trong số đó là tăng cường kiểm soát thu qua tài khoản NH. "Cần tăng cường kiểm soát thuế, thu thuế qua tài khoản NH để làm sao chống thất thu thuế trên mọi lĩnh vực và mở rộng cơ sở thuế theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Hiện nay, chính sách đã có hết rồi" - Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam nêu rõ.
Bình luận (0)