Sáng 17-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã khai trương trung tâm báo chí và họp báo về nội dung Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ XIV (Đại hội ASOSAI 14) sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22-9.
Chuẩn bị kỹ lưỡng suốt 2 năm
Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 Hồ Đức Phớc cho biết việc đảm nhận vai trò của chủ nhà thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với KTNN. Đại hội tổ chức tại Việt Nam là một điểm nhấn quan trọng, nâng cao vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao - thiết chế giám sát tài chính, tài sản công độc lập, góp phần vào việc minh bạch hóa nền tài chính ở mỗi quốc gia thành viên.
"Đây là cơ hội để KTNN học hỏi kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chất lượng hoạt động kiểm toán. Việc đăng cai tổ chức đại hội là dịp để nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của KTNN và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế" - Tổng KTNN nhấn mạnh và cho biết cơ quan kiểm toán đã chuẩn bị cho đại hội này trong suốt 2 năm qua.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc (đứng) chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội ASOSAI 14 Ảnh: kiểm toán nhà nước
Là sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn nhất của ASOSAI lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, cơ quan kiểm toán đã lựa chọn chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững". Đại hội sẽ có sự tham dự của khoảng 250 đại biểu đến từ 46 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á với cấp trưởng đoàn tương đương từ bộ trưởng trở lên; có đại diện INTOSAI (Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao) và một số tổ chức quốc tế trong vai trò quan sát viên.
Đánh giá việc đăng cai tổ chức ASOSAI 14 là sự kiện quan trọng của KTNN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam khẳng định nỗ lực này là minh chứng cho sự trưởng thành, phát triển và hội nhập sâu rộng của KTNN. "ASOSAI 14 có tác dụng lan tỏa, nâng cao vai trò của KTNN. Nhân dịp này chúng ta cũng có thể giới thiệu đến các nước bạn một Việt Nam đổi mới, năng động, an toàn cho đầu tư thương mại, kinh doanh" - ông Nam nhấn mạnh.
Kiểm toán môi trường chưa có quy trình
Trả lời báo chí về việc lựa chọn chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững", Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết quá trình phát triển bền vững của đất nước phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường. "Với quan điểm Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế bằng mọi giá, đại hội đã lựa chọn chủ đề này nhằm góp tiếng nói chung, giúp các nền kinh tế thành viên có cơ sở để đưa ra sự lựa chọn đúng đắn, góp phần cho sự phát triển bền vững" - ông Phớc nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu cơ quan kiểm toán Việt Nam, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam là nước đang phát triển, sẽ còn thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn đổ vào, nếu không có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa sẽ tạo điều kiện cho phế thải, công nghệ, máy móc lạc hậu nhập khẩu vào, biến chúng ta thành "bãi rác" của thế giới, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như sự phát triển bền vững.
Tổng KTNN cho biết trong 2 năm qua, cơ quan này đã thực hiện hàng loạt cuộc kiểm toán liên quan tới môi trường như kiểm toán quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và một số tỉnh, TP. Bên cạnh đó là các cuộc kiểm toán về quản lý, khai thác, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường ở Hậu Giang; kiểm toán giải pháp sử dụng túi ni-lông thông thường tại TP HCM theo đề án của Chính phủ; kiểm toán quản lý môi trường tại các khu công nghiệp Bắc Ninh...
Mặc dù đã triển khai các cuộc kiểm toán nêu trên nhưng ông Hồ Đức Phớc thừa nhận kiểm toán môi trường là loại hình mới với Việt Nam. Do chưa có quy trình nên cách làm chủ yếu là xác định tiêu chí, mục tiêu từng cuộc rồi có đề án. Đây là vấn đề đang được phía kiểm toán xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành. "KTNN vừa báo cáo lần 1 với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch kiểm toán năm 2019, trong đó đưa vào chủ đề kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam. Qua quá trình thực hiện, phía kiểm toán sẽ kiến nghị để các cơ quan ngăn chặn nhập khẩu phế liệu gây ô nhiễm môi trường" - ông Phớc nhấn mạnh.
Việt Nam sẽ làm chủ tịch ASOSAI
Theo ông Hồ Đức Phớc, đăng cai Đại hội ASOSAI 14 cũng đồng nghĩa với việc KTNN Việt Nam sẽ trở thành chủ tịch của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Ngày 19-9, Malaysia (chủ tịch ASOSAI đương nhiệm) sẽ chính thức chuyển giao chức chủ tịch ASOSAI cho KTNN Việt Nam.
Bình luận (0)