24 năm qua, với hàng ngàn cuộc kiểm toán với quy mô lớn, nhỏ tại các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trên tất cả các lĩnh vực, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã góp phần giúp việc quản lý sử dụng NSNN tại địa phương, bộ, ngành đi vào nền nếp, từng bước nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính và hiệu quả quản lý NSNN.
Một buổi họp của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước
Giúp tiết kiệm ngân sách
Kết quả kiểm toán cho thấy tình trạng phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa đúng quy định diễn ra tại hầu hết các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán. Một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương lập dự toán phí, lệ phí thấp hơn số thông báo của Bộ Tài chính; lập và giao dự toán thu chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu trên địa bàn. Có tình trạng kế hoạch vốn chưa phân bổ hết ngay từ đầu năm; phân bổ nhiều lần; giao vốn dàn trải; không đúng thẩm quyền; không qua HĐND; bố trí vốn không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, sai nội dung nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, nhiều địa phương có vốn ứng trước chuyển tiếp qua nhiều năm nhưng chưa được bố trí vốn thu hồi…
Cũng theo KTNN, có rất nhiều hạn chế, thiếu sót trong quản lý, sử dụng NSNN. Cụ thể, kiểm toán tại 195 lượt đơn vị đầu mối giai đoạn 2015-2017, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 61.436 tỉ đồng. Như vậy, thông qua thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN, đã giúp tăng thu, giảm chi ngân sách, góp phần hoàn thành dự toán hằng năm của NSNN và kiểm soát bội chi ngân sách. Kết quả kiểm toán còn cung cấp thông tin kịp thời, có độ tin cậy, tính thuyết phục cao cho Nhà nước về thực trạng cơ chế và thể chế quản lý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống định mức phân bổ ngân sách, "bịt các lỗ hổng" trong quản lý, điều hành ngân sách.
Thông qua kiểm toán, còn phát hiện công tác lập, thẩm định dự án, quản lý và thực hiện dự án còn có sai sót phổ biến, như: tổng mức đầu tư dự án còn điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn; một số dự án được phê duyệt không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn; nhiều dự án được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; còn tình trạng giải ngân vượt tổng mức đầu tư; chậm thu hồi các khoản tạm ứng quá thời gian quy định…
KTNN cũng phát hiện một số địa phương hụt thu chưa rà soát, cắt giảm chưa triệt để nhiệm vụ chi tương ứng. Một số địa phương sử dụng nguồn tăng thu, nguồn sử dụng đất... để bổ sung chi thường xuyên chưa đảm bảo quy định; báo cáo chưa đầy đủ nguồn được trích lại thực hiện cải cách tiền lương; xác định vượt nhu cầu cải cách tiền lương; chưa nộp các khoản thu về cổ tức, tiền bán cổ phần về Quỹ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp...
KTNN đã chuyển một số vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra, góp phần tích cực vào công tác tăng cường kỷ luật về tài chính ngân sách và công tác phòng chống tham nhũng.
Sức ép nặng nề
Để có thể "ghi công" trong mục tiêu giúp tăng thu và giảm chi ngân sách như trên, KTNN phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ, Quốc hội và các đơn vị công, KTNN phải phân tích và dự báo kinh tế - tài chính; nhạy bén với những thay đổi, biến động và xu hướng của nền kinh tế… để giúp Chính phủ, Quốc hội có thêm thông tin trong quá trình xây dựng, quyết định chính sách, quyết định đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Ngành kiểm toán cũng thừa nhận hoạt động kiểm toán là lĩnh vực nhạy cảm, tiến hành trên phạm vi rộng, kiểm toán viên phải đối mặt với những cám dỗ, mua chuộc, đe dọa của đơn vị được kiểm toán. Vì vậy, vấn đề rủi ro kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên luôn là một thách thức đối với KTNN, dù cho KTNN và các đơn vị trực thuộc đã thường xuyên giáo dục tư tưởng đạo đức nghề nghiệp và tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Kết quả kiểm toán được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quản lý; phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí nguồn lực… cũng là sức ép lớn cho cán bộ kiểm toán. Bởi vì, nó đòi hỏi kết quả kiểm toán phải phản ánh chính xác, trung thực và khách quan; kết luận, kiến nghị kiểm toán phải có luận cứ rõ ràng, cụ thể và khả thi.
Ngành kiểm toán còn nêu một thực trạng đáng lưu tâm là qua kiểm toán đã phát hiện tăng thu ngân sách về thuế đối với hầu hết các doanh nghiệp được kiểm tra đối chiếu thuế. Song, do chưa có văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng kiểm tra đối chiếu; trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế trong việc kiểm tra đối chiếu… nên hiệu lực của công tác kiểm tra đối chiếu chưa cao. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị chưa có sự phối hợp tốt, không nghiêm túc chấp hành, có biểu hiện chây ì, tránh né, kéo dài thời gian cung cấp hồ sơ hoặc cung cấp không đủ… Trong khi đó, KTNN chưa có chế tài để xử lý.
Để nâng cao hiệu quả kiểm toán ngân sách, KTNN kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý NSNN theo hướng hiện đại, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế và bao quát hết các nội dung chi; hoàn thiện các quy định về quản lý nợ công phù hợp với thông lệ quốc tế...
Ngoài ra, cần xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật KTNN 2015; đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung trong các luật liên quan đến KTNN kết hợp với đổi mới phương pháp kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quy tắc ứng xử và đạo đức kiểm toán viên…
Bình luận (0)