Tại hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi các luật về quản lý chuyên ngành do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày 3-10 ở TP HCM, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết trong 3 năm qua, dù các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh nhưng mức độ khó khăn mà doanh nghiệp (DN) phản ánh vẫn không giảm. Tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành ở các cửa khẩu vẫn chiếm 30%-35% các lô hàng nhập khẩu, gây tốn thời gian và chi phí cho DN.
Sáu lần mới có giấy làm thủ tục hải quan
Khảo sát của các chuyên gia CIEM và USAID cho thấy chi phí kiểm tra chuyên ngành là gánh nặng đối với DN.
Hàng hóa nhập khẩu phải mất nhiều thời gian và chi phí cho khâu kiểm tra chuyên ngành Ảnh: Hoàng Triều
Đơn cử, một DN nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương 165 triệu đồng nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên tới 134 triệu đồng. Một DN sản xuất, xuất khẩu thủy sản mỗi năm tốn khoảng 6 tỉ đồng để kiểm tra chất lượng sản phẩm gồm chi phí kiểm tra và lưu container, chưa kể phí vận chuyển. Với một DN nhập khẩu bột mì, phụ gia thực phẩm để sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu, tổng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành những mặt hàng này khoảng 1 tỉ đồng/năm, chiếm 2%-3% giá thành...
Từ thực tế của mình, ông Lê Đình Phương, quản lý bộ phận mua hàng Công ty Logistics Thăng Long, đặt vấn đề phải chăng đang có xu thế cơ quan nhà nước thích quản lý DN? Chẳng hạn với mặt hàng thép, trước đây thông tư cũ quy định chỉ có 2 đơn vị kiểm tra chuyên ngành nhưng thông tư mới lại thêm sở công thương. “Hậu quả là chỉ một thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thép, chúng tôi phải mất 6 lần đi tới 3 cơ quan chuyên ngành xin giấy đăng ký để làm thủ tục hải quan, chưa kể thủ tục thông quan” - ông Phương bức xúc.
Theo Cục Hải quan TP HCM, 6 tháng cuối năm 2015, số tờ khai nhập khẩu phải kiểm dịch là 28.135, kiểm tra an toàn thực phẩm là 66.178, kiểm tra chất lượng là 203.901, xin giấy phép và các loại giấy tương tự là 117.029 tờ. Tổng số tờ khai tạm tính cho cả năm sẽ gấp đôi những tờ khai này.
Theo phản ánh của DN, 2 năm qua, chi phí tối thiểu kiểm tra chuyên ngành cho một tờ khai khoảng 200.000 đồng phí kiểm dịch và 2 triệu đồng phí kiểm tra chuyên ngành, an toàn thực phẩm. Với những con số này, tính toán của CIEM cho thấy chỉ riêng chi phí làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại Hải quan TP HCM đã lên tới hơn 1.091 tỉ đồng trong năm 2015, chưa kể phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM, cho biết thời gian kiểm tra chuyên ngành chưa được cải thiện. Trong đó, một số mặt hàng kiểm tra chất lượng có thời gian rất dài, như kiểm tra thiết bị y tế lên tới 40 ngày, kiểm tra hiệu suất năng lực 43 ngày hay kiểm tra chất lượng xe cứu hỏa, cứu thương tới 79 ngày.
Đi ngược mục tiêu
Mục tiêu của Nghị quyết 19 là rút ngắn thời gian giao dịch thương mại biên giới xuống bằng trung bình của các nước ASEAN 4 (56 giờ với hàng xuất khẩu và 73 giờ với hàng nhập khẩu); giảm tỉ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%. Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong 2 năm gần đây do những bất cập trong quản lý chuyên ngành. Thời gian làm thủ tục xuất khẩu là 147 giờ, nhập khẩu 177 giờ - dài hơn nhiều so với Singapore (16 giờ và 36 giờ)…
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), liên quan đến công tác kiểm dịch, kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, DN phải đối mặt khó khăn chồng chất vì quy định 100% lô hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu thủy sản phải kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, Nghị quyết 19 yêu cầu quản lý rủi ro theo từng DN, nguồn hàng và tỉ lệ lô hàng, như Mỹ cũng chỉ kiểm tra 5% tổng lô hàng nhập khẩu.
“Trước đây, hàng thủy sản trong khi chờ kiểm dịch, DN được kéo về kho chờ thông quan thì nay dường như ngược lại, có kết quả kiểm dịch rồi mới cho thông quan” - ông Nam than phiền.
Cần thay đổi phương thức quản lý
TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận việc kiểm tra chuyên ngành còn gây khó khăn cho DN do nhiều nguyên nhân. Hiện có khoảng 350 văn bản khác nhau từ thông tư, nghị định đến các luật liên quan nên Chính phủ chỉ đạo phải rà soát hết. Thực tế, việc kiểm tra chuyên ngành hiện quá nhiều lại trùng lắp khiến chi phí DN phải gánh chịu rất lớn. Cùng với việc sửa các luật, cần thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phương thức kiểm tra dựa trên rủi ro, dựa trên mức độ tuân thủ của DN, mức độ rủi ro độ nguy hại của sản phẩm.
Bình luận (0)