Ngày 28-4, Tổng cục Hải quan cho biết từ thời điểm 0 giờ cùng ngày, ngay sau khi hệ thống được mở, chỉ trong vòng 23 giây đã có 78 tờ khai của 57 doanh nghiệp (DN) được mở thành công để đăng ký xuất khẩu gần hết số lượng hơn 65.713 tấn gạo vừa được bổ sung trở lại cho hạn ngạch tháng 4 do tờ khai trước đó bị huỷ.
Trước đó, vào 0 giờ 00 phút ngày 26-4, có tổng cộng 46 DN đã mở 55 tờ khai đăng ký số xuất khẩu hơn 38.642 tấn gạo, chỉ sau 37 giây, cơ quan hải quan lý giải là do trước đó các DN đã liên tục chuyển thông tin lên hệ thống, chỉ chờ đến giờ là bấm gửi nên quá trình mới diễn ra nhanh chóng như vậy.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, số lượng DN liên tục gửi thông tin đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo lên hệ thống trong những ngày gần đây rất lớn, với tần suất và tốc độ cao. Do đó, tại cùng một thời điểm, hệ thống phải tiếp nhận, xử lý, tính toán cùng lúc rất nhiều tờ khai xuất khẩu gạo được gửi đến. Minh chứng rõ nét là sau khi cơ quan hải quan mở hệ thống, chỉ trong vài chục giây, DN đã đăng ký hết số lượng xuất khẩu vài chục ngàn tấn gạo.
Sau hơn 1 tháng tạm ngừng, Bộ Công Thương vừa kiến nghị cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ 1-5. Ảnh: Ngọc Trinh
Tổng cục Hải quan cũng nói thêm đối với các tờ khai hải quan đã được đăng ký (theo danh sách đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan) trong hạn ngạch 400.000 tấn nhưng quá 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, DN không xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra, cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thực hiện hủy tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 22 Thông tư 38/2015 được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 39/2018 của Bộ Tài chính.
Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan, đến 14 giờ ngày 28-4, hơn 238.00 tấn gạo trong hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4 đã được xuất khẩu.
Cũng liên quan tới xuất khẩu gạo, ngày 27-4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký báo cáo số 2976 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị kể từ ngày 1-5, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trước đề nghị trên của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), cho biết cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất hoan nghênh và trông đợi đề xuất của Bộ Công Thương về việc cho xuất khẩu gạo bình thường kể từ 1-5 được Chính phủ thông qua. "Nếu tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo có hạn ngạch, các doanh nghiệp phải thức cả đêm, mở 2-3 máy tính để canh khai hải quan, quá vất vả và không chủ động được kế hoạch kinh doanh. Như công ty chúng tôi, dù rất tích cực trong các đợt hải quan cho đăng ký bổ sung nhưng hiện vẫn còn 3.000 tấn gạo chờ xuất khẩu chưa mở được tờ khai hải quan. Nhiều khách hàng hỏi về thời gian giao hàng nhưng chúng tôi không thể trả lời được" – ông Đôn giải thích.
Cũng theo ông Đôn, hiện giá gạo trên thế giới đã dịu lại, không còn cao như trước nhưng vẫn là giá tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thể ký hợp đồng xuất khẩu mới với khách hàng do thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới từ ngày 25-3.
Theo PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, "lùm xùm" điều hành xuất khẩu gạo 1 tháng qua bộc lộ sự yếu kém của các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáng ra phải kiên quyết, thậm chí đứng ra chịu trách nhiệm trước Thủ tướng rằng gạo dồi dào, không sợ thiếu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong mùa dịch bệnh để Thủ tướng quyết định cho xuất khẩu gạo bình thường như Thái Lan.
"Đáng lý ra khi Thủ tướng quan ngại về an ninh lương thực, trước khi đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo, 3 bộ phải tổ chức họp với 13 tỉnh ĐBSCL để nắm rõ nguồn cung lúa gạo. Từ đó, tham mưu chính xác cho Chính phủ trong điều hành xuất khẩu gạo, không để xảy ra chuyện Bộ Công Thương hôm trước đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo, hôm sau lại đề xuất cho xuất khẩu gạo,…"- PGS-TS Dương Văn Chín dẫn chứng.
Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thực hiện xuất khẩu gạo theo Nghị định 107/2018, doanh nghiệp có thể chủ động kinh doanh lương thực, trong nước cũng như xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ năng động hơn trong việc tìm nhà nhập khẩu, nâng cao chất lượng gạo để cạnh tranh; nhiều người tìm được thị trường ngách, thậm chí 50-100 tấn gạo cũng vẫn xuất, góp gió thành bão. Các loại gạo đặc sắc bán được giá cao như: thơm trắng cao cấp, japonica, nếp, lức, mầm, gạo dược liệu,…
Theo Nghị định 107/2018, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. Lượng gạo dự trữ này có thể đưa ra kinh doanh nội địa khi cần, bảo đảm an ninh lương thực, nếu doanh nghiệp vi phạm đã có chế tài xử phạt.
Bình luận (0)