Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống, làm ăn, học tập tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% là ở các nước phát triển.
Xu hướng kiều bào trở về quê hương làm việc, kinh doanh ngày càng rõ. Năm 2018, cả nước có gần 3.000 doanh nghiệp của kiều bào với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỉ USD. Các dự án đầu tư của Việt kiều chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, thương mại, du lịch, xây dựng, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, công nghệ phần mềm… Nhiều kiều bào là doanh nhân, nhà khoa học đã mang công nghệ, mô hình kinh doanh mới mẻ, đột phá về thúc đẩy phát triển kinh doanh trong nước. Đặc biệt là áp dụng các sáng chế, thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh.
Điển hình như TS Nguyễn Thanh Mỹ, nhà phát minh và đồng phát minh trên 150 bằng sáng chế ở Mỹ, Canada và hàng chục nước trên thế giới, từ Canada về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ông sáng lập Công ty Mỹ Lan, đưa công nghệ vào nông nghiệp giúp tăng năng suất lúa khoảng 20%..., thu về hàng tỉ USD cho công ty. Những công nghệ này đang được áp dụng rất rộng rãi ở Trà Vinh, Đồng Tháp và một số tỉnh ĐBSCL.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Southern Queensland (Úc) Nguyễn Kỳ Tài hướng đến - Ảnh chụp màn hình
Tại hội thảo chuyên đề "Áp dụng công nghệ trong nông nghiệp để phát triển bền vững" trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững Việt Nam 2019 tổ chức ở Hà Nội tuần qua, TS Nguyễn Thanh Mỹ (hiện là Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holdings SJC, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2018-2023) bày tỏ mong muốn dùng năng lực điều hành doanh nghiệp và công nghệ đang sở hữu khơi dậy và phát triển nông nghiệp Việt Nam. Từ việc sản xuất phân bón thông minh: chỉ cần bón 1 lần, vừa tiết kiệm vừa tăng năng suất lại giảm lượng khí nhà kính thải ra do canh tác hóa học đến nuôi vịt làm động vật "thiên địch" và tận dụng không gian, tăng thu nhập; gắn phao quan trắc đo độ mặn của nước sông để phục vụ bà con canh tác lúa nước…, ông Mỹ có tham vọng tạo ra giống lúa chịu hạn, chịu mặn, phân bón giảm ô nhiễm nhưng bảo đảm hiệu quả, tiện lợi hơn; dùng công nghệ điện toán đám mây đo độ đạm, kali trong đất để bón phân hiệu quả, làm ra ứng dụng hệ thống tưới tự động như của Israel, truy xuất nguồn gốc, áp dụng công nghệ vào phân phối, tiêu thụ, quảng cáo… ứng dụng bao bì khí cải tiến giúp kéo dài thời gian trữ rau quả, thịt mà không ảnh hưởng đến chất lượng.
Giữ vai trò nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Southern Queensland (Úc), TS Nguyễn Kỳ Tài đang cùng các đồng nghiệp đo tín hiệu cây trồng trong nhiều năm nay. Ông cùng nhóm nghiên cứu ứng dụng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng và tính toán tối ưu lượng nước và phân bón sử dụng để đạt được năng suất cao nhất trong điều kiện khí hậu thay đổi. Các lớp dữ liệu này được AI phân tích và cung cấp kết quả để điều chỉnh chính xác các ứng dụng tưới tiêu, bón phân và kiểm soát dịch bệnh cho cây trồng. Ông Nguyễn Kỳ Tài đang đàm phán chuyển giao công nghệ này về Việt Nam với chi phí thấp.
Theo TS Nguyễn Kỳ Tài, hiện có nhiều ứng dụng phát triển nông nghiệp thông minh như robot trí tuệ nhân tạo, camera chuyên dụng đánh giá cây trồng, công nghệ IoT (internet của vật dụng), blockchain (chuỗi giá trị)… Để nông nghiệp thông minh đạt kết quả, cần chọn công nghệ hợp lý. Trước mắt là xúc tiến hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và chính quyền địa phương, sau đó mới chuyển giao công nghệ hoặc bán lại dịch vụ cho nông dân.
Bình luận (0)