Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP iPOS.vn, cho biết 6 tháng đầu năm 2023 chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của thị trường F&B tại Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp (DN) F&B ghi nhận doanh thu giảm hoặc giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo khảo sát, có hơn 40,1% DN F&B ghi nhận doanh thu giảm trong nửa đầu năm 2023. DN F&B lớn (có từ 150 chỗ ngồi trở lên) có mức ảnh hưởng rõ rệt nhất với 63,6% DN ghi nhận doanh thu giảm.
Bà Nguyễn Hà Linh, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Thái Koh Yam, cho biết năm ngoái là thời điểm bùng nổ sức ăn, sức mua sau khi bị giãn cách một thời gian dài. Sau đó, mọi việc dần trở về quỹ đạo, suy thoái kinh tế mới bộc lộ, chi tiêu mua sắm của người dân bị ảnh hưởng rõ rệt.
"Nhiều DN lớn trong ngành đóng cửa các điểm kinh doanh ở ngoại thành, các tỉnh, hay các mô hình không còn phù hợp. Ngoài ra, một số chuỗi có nhiều mô hình kinh doanh giống nhau, chỉ khác nhau về tên thương hiệu nên có sự đào thải" - bà Linh phân tích.
Nhiều người quan tâm kinh doanh nhượng quyền F&B. Ảnh: AN NA
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận thị trường F&B vẫn xuất hiện những tín hiệu tốt từ nhiều mô hình kinh doanh mới ở phân khúc bình dân. Chẳng hạn, thương hiệu trà sữa Mixue đã cán mốc 1.000 cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam.
Về dự đoán tình hình kinh doanh ngành F&B thời gian tới, khảo sát cho thấy 40,1% DN F&B kỳ vọng vào những tín hiệu khả quan hơn của thị trường cuối năm. Tuy vậy, cũng có 38,4% chủ DN nhận định thị trường F&B sẽ khó khăn hơn, có 50% thực khách sẽ giữ nguyên mức chi tiêu.
Ông Vũ Thanh Hùng nói thêm, cuối năm có thể là "đáy" của thị trường F&B. Đặc biệt, năm nay thị trường sẽ đón một kỳ nghỉ lễ cuối năm với sự tiết kiệm tối đa từ phía người tiêu dùng. "Các DN cần có những chiến lược để phù hợp với kịch bản khó khăn này" - ông Hùng nói.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, nhận định xu hướng kinh doanh nhượng quyền F&B vẫn tiếp tục do ít rủi ro hơn so với tự mở điểm kinh doanh F&B độc lập. Theo ông, món ăn Việt vẫn là xu hướng chính trong nhượng quyền với điều kiện phải công nghiệp hóa cách chế biến, giảm tối đa việc phụ thuộc vào tay nghề con người thì mới dễ nhân rộng. Ngoài ra, các món ăn châu Á đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn được thị trường Việt Nam ưa chuộng.
Bình luận (0)