Chị Thư cho rằng hiện nay, kinh tế suy thoái, người thất nghiệp nhiều, rất cần có việc làm để bảo đảm sinh kế. Mô hình kinh doanh ẩm thực nhượng quyền bình dân với chi phí ban đầu tối thiểu chỉ cần 15 triệu đồng trở lên như "Vua bánh canh" rất phù hợp để nhiều người tham gia.
"Chi phí nhận nhượng quyền khoảng 15 triệu đồng mà chúng tôi đang áp dụng được xem như khoản đầu tư ban đầu để mở điểm bán, bao gồm cơ sở vật chất, dụng cụ, nguyên liệu… Công ty hoàn toàn không thu phí thương hiệu, set up (bố trí sắp xếp) điểm bán, đào tạo.
Người nhận nhượng quyền chỉ phải mua một số nguyên liệu chính mà Vua Cua đang sản xuất, cung cấp như: nước lèo, chả cua…; còn những nguyên liệu khác thì có thể tự chủ" - chị Thư cho biết.
Một điểm bán của “Vua bánh canh” Ảnh: AN NA
Theo nhà sáng lập Vua Cua, mô hình "Vua bánh canh" dựa vào giá trị cốt lõi, sao cho người ăn cảm thấy hài lòng với giá trị nhận được từ tô bánh canh 30.000 đồng. Công ty tối ưu hóa giá thành 1 tô bánh canh, sao cho người bán có lợi nhuận ít nhất 40%; còn lời được bao nhiêu tùy thuộc vào số tô bán trong ngày.
Ngay từ đầu, công ty hướng vào giá trị thật của sản phẩm, không nâng giá rồi làm chương trình khuyến mãi giảm giá để lừa khách; cũng không đổ tiền chạy chương trình khuyến mãi hút khách ban đầu để có doanh số "ảo".
Về phía người bán, chị Thư định hướng họ đây là công việc nghiêm túc, cần chuyên tâm mới có thể thành công. Vua Cua chỉ cung cấp điều kiện cần, điều kiện đủ là ở họ. Thực tế, trong 45 điểm đã mở, 3 điểm phải đóng cửa vì những lý do như: thuê người khác làm, người bán không kiểm soát chi tiêu cá nhân, thiếu kỷ luật lao động (thích thì bán, không thích thì nghỉ).
"Rút kinh nghiệm, chúng tôi chọn lọc đối tác phù hợp để hạn chế việc đóng cửa điểm bán. Các điểm này cũng được tính toán để tạo khoảng cách an toàn cho người bán, không xảy ra tình trạng các điểm cạnh tranh, giẫm chân nhau, có như vậy mới phát triển bền vững được" - chị Thư nhấn mạnh.
Bình luận (0)