xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN

Nền kinh tế Việt Nam đang được quốc tế "ngưỡng mộ" khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội nước ta tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng. Nổi bật là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%.

Xuất siêu tới 9,4 tỉ USD

Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 58,27 tỉ USD, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 9,4 tỉ USD (riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỉ USD).

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 1.

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái (TP HCM) ngày càng nhộn nhịp .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so cùng kỳ và 10 tháng tăng 9%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 10 tiếp tục phục hồi nhất là lĩnh vực dịch vụ được dự báo sôi động hơn vào những tháng cuối năm nên số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng cao. Đặc biệt, tín hiệu hồi phục mạnh mẽ được phản ánh bởi con số DN đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500 DN, tăng 38,3% so cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số DN rút lui khỏi thị trường.

Về vốn đầu tư, tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 67,1% kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 10 tháng ước đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Từ kết quả đạt được, các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam đã đi qua hơn 3/4 chặng đường của năm 2022 với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, các ngành. TS Cấn Văn Lực cùng Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận xét kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề, tạo tiền đề quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng cao trong cả năm 2022. Đồng thời, những yếu tố này góp phần thêm nguồn lực, động lực cho các năm tiếp theo trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.

Triển vọng rất tích cực

Nhiều tổ chức quốc tế cũng tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (đứng thứ 8 thế giới). Moody’s vào tháng 9 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định do đánh giá cao sức mạnh nội tại và khả năng chống chịu tốt hơn của nên kinh tế. 

"Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và trước đó là Ngân hàng Thế giới (WB) đều có những đánh giá lạc quan, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 (tăng từ 7% lên 7,2%), cao hơn 1 điểm % so với dự báo của 3 tháng trước đó. Cùng với chính sách phòng chống dịch và mở cửa nền kinh tế phù hợp, đang mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam" - TS Cấn Văn Lực dẫn chứng.

Ngân hàng Standard Chartered vừa qua cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng trong quý III tới 13,7%. Và dự kiến tăng trưởng GDP của quý IV sẽ đạt 4%.

Các chuyên gia của Standard Chartered đánh giá lạm phát hiện của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát dù áp lực giá cả dự kiến sẽ mạnh lên trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023. Bên cạnh các yếu tố từ phía nguồn cung, áp lực từ phía nguồn cầu cũng ngày càng gia tăng. 

"Dự báo lạm phát sẽ tăng dần trong năm 2023 và mức lạm phát trung bình của cả năm sau dự kiến sẽ đạt 5,5%. Lạm phát là một mối đe dọa đối với quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam" - ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nói.

Ngân hàng UOB (trụ sở tại Singapore) nhận định sự phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý III/2022 của Việt Nam đặt nền tảng cho một kết quả tích cực trong cả năm 2022. UOB thậm chí còn nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam lên 8,2% từ mức công bố 7% trước đó.

Theo UOB, việc mở cửa trở lại và nới lỏng những hạn chế di chuyển kể từ đầu năm nay đã giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh từ quý II, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ khi tâm lý chung được cải thiện. Các lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, vui chơi và giải trí đều tăng 2 con số so với cùng kỳ năm trước. 

"Dù vậy, điều đáng lo ngại hơn là triển vọng năm 2023, khi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ đè nặng lên Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,6%, dựa trên ước tính nhu cầu từ các thị trường chính sẽ tiếp tục chậm lại" - các chuyên gia của UOB nhận định.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết sau khi S&P nâng hạng Việt Nam, mới đây Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2, Việt Nam hiện chỉ kém mức đầu tư một bậc. Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB về triển vọng tích cực. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. 

"Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%. Việt Nam, quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, đang tham vọng muốn trở thành một nước phát triển, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Tầng lớp trung lưu cao dự kiến sẽ tăng trung bình 17% cho đến năm 2030" - ông Tim Evans nói.

Các chuyên gia kinh tế của WB cũng lưu ý dù nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ nhưng những bất định gia tăng liên quan đến kinh tế toàn cầu chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt cho thấy cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách. Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ yếu đi, chính sách tài khóa chủ động nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới cần bám sát kết quả kinh tế và phối hợp với chính sách tiền tệ.


Trở thành mô hình kiểu mẫu

Ông Phùng Văn Thành, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Philippines, cho biết ông rất tự hào khi tại nhiều sự kiện lớn của Philippines gần đây đều dẫn chứng Việt Nam là trường hợp điển hình của phát triển kinh tế hậu COVID-19 và xem Việt Nam là mô hình mẫu để noi theo. "Philippines là nước phụ thuộc nhập khẩu, 8 tháng đầu năm 2022, thâm hụt thương mại của họ đã gấp đôi cùng kỳ 2021. Họ rất muốn học tập Việt Nam trong việc tăng cường xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại. Trong đó, mảng nông nghiệp, họ đang muốn cải tổ toàn diện, hướng đến tự chủ lương thực, thực phẩm như Việt Nam" - ông Phùng Văn Thành nhận định.

Phát biểu tại "Hội thương mại điện tử xuyên biên giới" ngày 1-11, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực phía Nam, cho biết xét từ góc độ vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đang được thế giới "ngưỡng mộ" khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, rất nhiều tổ chức kinh tế quốc tế cũng dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay. "Đây là nỗ lực rất lớn của các DN. Họ rất tự tin, nắm bắt cơ hội thị trường, đặc biệt là xuất khẩu - lĩnh vực lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng góp phần cho sự tăng trưởng này, nhiều DN đã tận dụng được kênh này để xuất khẩu với mức tăng trưởng lên 2-3 con số. Mùa bán hàng lớn nhất năm đang bắt đầu, nhiều cơ hội đang mở ra cho các DN xuất khẩu" - ông Thủy nhìn nhận.

V.Ngọc

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo