Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất - kinh doanh đã dần hồi phục, đóng góp tích cực vào nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn tới, để duy trì tốc độ hồi phục kinh tế, bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN) về thuế, lãi suất..., cần đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực còn nhiều dư địa là kinh tế số.
Bước hồi phục ấn tượng
Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 với mức ấn tượng 13,67%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, cho thấy chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,99% (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,44% (đóng góp 41,79%); khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%).
Sản xuất công nghiệp quý III tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 6,52 tỉ USD.
Đáng chú ý, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt 163.300 DN, tăng 38,6% so với cùng kỳ, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường ở mức thấp hơn với 112.700 DN. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng là 3,9 triệu tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hầu hết DN lạc quan về tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý IV, trong đó có 82,6% DN đánh giá tình hình sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III/2022.
Chính phủ sẽ có cơ chế mở cho chuyển đổi số, chẳng hạn chấp nhận mô hình sandbox (thử nghiệm) song song với hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong ảnh: Doanh nghiệp tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2022 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP HCM vươn lên từ đại dịch COVID-19
Là địa phương chịu tổn thất lớn nhất trong dịch COVID-19, TP HCM hiện đã hồi phục mạnh mẽ nhờ nỗ lực tạo tâm lý tin tưởng cho người dân, DN yên tâm sản xuất - kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn 9 tháng đầu năm ước tính tăng 9,44% so cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra là 6%-6,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 9 tháng tăng 27,7% trong khi tổng chi ngân sách giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.
DN hồi phục nhanh sau đại dịch COVID-19 cũng hỗ trợ kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP HCM tăng. Trong 9 tháng, kim ngạch hàng hóa thông quan xuất khẩu đạt trên 100 tỉ USD, gần bằng cả năm 2021. Với ngành du lịch, sự hồi phục còn rõ nét hơn khi thành phố đã đón 21,6 triệu lượt khách nội địa và hơn 2 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng, đạt tổng thu hơn 92.300 tỉ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra.
Về hoạt động huy động vốn và tín dụng, thị trường tiền tệ trên địa bàn được duy trì ổn định; trong đó lãi suất, tỉ giá được điều chỉnh linh hoạt. Tính đến ngày 1-9, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM đạt 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ; tổng vốn huy động tăng 7,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy với chính sách, giải pháp chống dịch phù hợp, thận trọng, cởi mở, Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đã tự tạo được cơ hội chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đã đạt được, cần nhìn thẳng vào những tồn tại như chính sách thu hút FDI còn hạn chế, kinh tế số phát triển chưa xứng tầm, môi trường đầu tư - kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, rào cản về thủ tục hành chính còn lớn. Đáng nói, sản xuất tại TP HCM trong một thời gian dài vẫn chủ yếu là công nghiệp chế tác với giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động, chưa đưa được nhiều yếu tố công nghệ vào sản xuất, dẫn đến giá trị gia tăng không cao. Chuyển mạnh sang kinh tế số là con đường tất yếu giúp TP HCM tạo động lực mới để phát triển trong tương lai.
Tạo cơ chế cho kinh tế số
Quyết định 505/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 22-4-2022 lấy ngày 10-10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Việc chuyển đổi số ở khoảng 860.000 DN đăng ký theo Luật DN, 5 triệu hộ kinh tế gia đình và 5 triệu hộ nông dân là một cuộc thay đổi có tính cách mạng, phải tiến hành phù hợp với những điều kiện và yêu cầu riêng ở từng khối. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới với 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, do vậy chuyển đổi số trở thành chìa khóa để kết nối theo chuỗi giá trị với các đối tác quốc tế.
Với riêng TP HCM, tiến trình phát triển trong thời gian tới cần gắn với chuyển đổi số, giữ vững vị thế đi đầu về chuyển đổi số và rút ra những bài học bổ ích về chuyển đổi sang kinh tế số, chính quyền điện tử, công dân số, xã hội số.
TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 vào tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng; trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI). Với ưu thế tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và đội ngũ trí thức, DN kết nối chặt chẽ với nhiều đối tác quốc tế, thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng. Về kinh tế số, thành phố xác định lĩnh vực này đóng góp trên 40% GRDP địa bàn; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm.
Trong thời gian tới, TP HCM cần phát triển kinh tế số với trọng tâm là DN công nghệ số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của thành phố. Bên cạnh đó, phát triển xã hội số giúp người dân tiếp cận bình đẳng đối với các dịch vụ thiết yếu được cung cấp trên nền tảng số, từ đó cũng giúp thành phố nhanh chóng cải thiện vị trí xếp hạng.
Thúc đẩy kinh tế số còn nhằm thực hiện chủ trương tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế lớn, đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa quan hệ. Hiện nay, chỉ chủ yếu DN có vốn đầu tư nước ngoài tận dụng được cơ hội từ sức mạnh số để thâm nhập những thị trường có trình độ phát triển cao, có yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...
3 trụ cột chính, 8 lĩnh vực ưu tiên
Ngày 3-6-2020, Chính phủ đã phê duyệt và ban hành "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với 3 trụ cột chính, gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chương trình đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% tổng GDP năm 2025; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; tỉ trọng kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực tối thiểu đạt 10%. Đồng thời, Việt Nam lọt tốp 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu; tốp 35 quốc gia dẫn đầu về chỉ số đổi mới, sáng tạo; tốp 40 nước dẫn đầu về an ninh mạng; mỗi người dân có điện thoại thông minh, cáp quang phủ đến 100% xã, phường; tối thiểu 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử...
Chương trình xác định 8 lĩnh vực ưu tiên cho chuyển đổi số, gồm: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics. Chính phủ chấp nhận thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh số khi chưa có văn bản pháp lý đầy đủ song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý.
Bình luận (0)