Ngày 15-4, UBND TP HCM đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế năm 2022 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai". Diễn đàn với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo trung ương, TP HCM, diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Đây là sự kiện quốc tế thường niên để các cơ quan của Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và DN gặp gỡ, trao đổi về những mô hình, giải pháp, nguồn lực tối ưu nhằm đưa TP HCM phát triển xứng tầm với vị thế đầu tàu kinh tế.
Kiến tạo cơ chế, chính sách
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỉ trọng 25% GRDP; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP. Để đạt mục tiêu đó, TP HCM đã thực hiện nhiều đầu việc thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, thành phố gặp biến cố chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Song cũng chính từ đó, môi trường chuyển đổi số có cơ hội phát triển mạnh mẽ, giảm tác động tiêu cực từ đại dịch.
"Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, chúng tôi mong muốn được lắng nghe các ý kiến chuyên gia, trước hết là ý kiến của các lãnh đạo, DN trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế, qua đó tìm kiếm mô hình, kiến tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trước mắt và lâu dài" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của đại biểu về 4 điểm trọng yếu của thành phố. Một là, TP HCM đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình...
Hai là, thành phố đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách; xây dựng một hệ thống biện pháp và giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực, phát huy tính năng động, sáng tạo vốn có của người dân thông qua từng chương trình, đề án cụ thể. Ba là, triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số như: hợp tác về chuyển đổi số; nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) đối với dịch vụ số mới... Bốn là, vai trò của nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để DN thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức trong quá trình chuyển đổi số; giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh.
Cần cơ chế đặc biệt
Các diễn giả đều khẳng định chuyển đổi số đang tạo ra thế và lực mới cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Nhiều diễn giả nhận định tầm nhìn quốc gia và kế hoạch quốc gia đối với chuyển đổi số đều đã rõ ràng, cụ thể, bài toán lúc này là các địa phương, trong đó TP HCM, triển khai, ứng dụng ra sao.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, đề xuất có thể chọn định hướng phát triển TP HCM như một "viên ngọc xanh" trong kinh tế số. Theo ông, Việt Nam là một quốc gia quyết liệt về chuyển đổi số. Riêng TP HCM là ngọn cờ đầu về công nghệ thông tin của cả nước, có lực lượng nhân lực được đào tạo, là thành phố sử dụng kho dữ liệu tốt nhất trên cả nước. Từ những dẫn chứng trên, TP HCM có thể là viên ngọc trong xây dựng các thành phố thông minh khác, kiến tạo một thành phố mới.
Để làm điều này, tất cả trường đại học, cao đẳng và THPT có thể đưa những môn khoa học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... vào giảng dạy nhằm có nguồn nhân lực lớn nhất thế giới. Có thể thí điểm những đổi mới, sáng tạo ngay ở TP HCM, ở từng phường, từng quận. "Chúng tôi kỳ vọng TP HCM sẽ như viên ngọc sáng lấp lánh về công nghệ mới nhất. Muốn vậy, cần xây dựng cơ chế đặc biệt để tạo thuận lợi nhất bên cạnh những giải pháp khác" - ông Trương Gia Bình nói.
TS Philipp Rösler - nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ - thông tin rằng ở Đức có một hệ thống xuất sắc để đào tạo, nâng đỡ cho thế hệ kế tiếp, bao gồm việc đào tạo nghề. TP HCM cũng có thể bắt đầu bằng việc đào tạo về công nghệ với những công ty có thể hỗ trợ, cố vấn cho người trẻ tham gia, từ đó góp phần thúc đẩy số hóa nền kinh tế. Có thể cùng nhau tạo ra TP HCM là một thành phố kỳ lân về công nghệ, bắt đầu bằng việc đào tạo cho giới trẻ.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định Việt Nam hiện có hàng ngàn DN khởi nghiệp đang nổi lên, trong đó có những nền tảng thanh toán mới. TP HCM thật sự đang đi đầu ở lĩnh vực này và WB đánh giá cao sự hỗ trợ của thành phố đối với các DN để có thể khởi nghiệp. Dù vậy, nếu nhìn ở góc độ toàn quốc vẫn cần sự cải thiện. Hiện mới khoảng 7% DN Việt Nam được thúc đẩy bởi cơ sở dữ liệu số, trong khi con số này ở khu vực Đông Á là 13%. Hay khảo sát gần đây, chỉ có 1/5 DN tại Việt Nam sử dụng quy trình hoàn toàn số hóa để thực hiện hoạt động như marketing, thanh toán... Ngoài ra, độ an toàn, bảo mật và sự tin cậy cũng là yếu tố cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế số.
Khách mời tham quan triển lãm sản phẩm về công nghệ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đi đầu chính quyền số
Từ góc độ nhà quản lý công nghệ thông tin, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nói chuyển đổi số hiểu theo nghĩa đơn giản là đưa toàn bộ hoạt động của người dân, DN và nền kinh tế lên môi trường số. Trước đây, ứng dụng công nghệ thông tin mới đưa một phần công việc vào, còn nay với chuyển đổi số sẽ là toàn bộ quá trình ứng dụng công nghệ vào các hoạt động. Trong kinh tế số, giao dịch trực tuyến sẽ thay thế giao dịch giấy, TP HCM có thể xác định đi đầu và cụ thể hóa mục tiêu này vào năm 2022, thay vì như cả nước mục tiêu đến năm 2025.
Cụ thể, về chính quyền số, giải pháp đột phá vẫn là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện TP HCM đi đầu cả nước về tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và có thể tiếp tục cải thiện hơn nữa. Thành phố có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến "mượt" như các mạng xã hội hiện nay hoặc cho phép nhiều DN tham gia vào dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường tỉ lệ giám sát, thanh tra, kiểm tra trực tuyến, thay vì cách tiếp xúc trực tiếp hiện nay. "Nếu có cơ sở dữ liệu pháp lý, TP HCM có thể trở thành địa phương đi đầu về tạo môi trường nuôi dưỡng rất tốt cho chuyển đổi số" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận.
Còn theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, năm 2021, GRDP giảm 6,78% so với năm trước nhưng một số ngành dịch vụ có điều kiện và khả năng chuyển đổi số kịp thời vẫn đạt mức tăng trưởng dương như dịch vụ thông tin truyền thông, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ hoạt động công nghệ. Để chuyển đổi số thành công, DN cần có nhận thức và tư duy đúng; xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện; xây dựng năng lực số gồm hạ tầng và thiết bị, nguồn nhân lực và văn hóa đổi mới trong tổ chức với mô hình mới; công nghệ số là nền tảng chủ yếu cho hoạt động của mình...
Xu thế tất yếu
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam. Định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đã có, vấn đề còn lại là triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của TP HCM. Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút DN, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung. Trước mắt, trong khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, cần nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số.
"Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP HCM sẽ góp phần quan trọng trong thành công của cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của thành phố và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
T.Phương
Ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương:
Người dân là trung tâm của chuyển đổi số
Kinh tế số Việt Nam đã tăng trưởng nhanh, tạo tiền đề đạt mục tiêu đóng góp 20% GDP vào năm 2025. Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN với mức 16%, đạt giá trị 14 tỉ USD. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc khoảng 52 tỉ USD.
Đối với TP HCM, thời gian qua các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến... đã phát triển ở mức cao. Là địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất cả nước; hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số của TP HCM vẫn còn chậm, thiếu chủ động. Để phát huy hơn nữa vai trò động lực mới của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và TP HCM nói riêng, cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Phát huy vai trò của hội đồng tư vấn AI và đưa vào hoạt động trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP HCM (DX Center).
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ số hiện đại. Kiến nghị tiếp tục bổ sung và điều chỉnh chính sách thu hút DN FDI có định hướng gắn liền với việc nâng cao năng lực và kỹ năng tham gia chuỗi sản xuất của DN công nghệ số của thành phố và Việt Nam.
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực số, hỗ trợ liên kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ số với sản xuất công nghiệp và dịch vụ số.
Phát triển hạ tầng số. Hoàn thành giai đoạn 2 cấu phần xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở của đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào hoạt động trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP HCM.
Hỗ trợ chuyển đổi công việc, khả năng thích ứng công nghệ số đối với lực lượng lao động. Cần có sự tham gia 4 bên ngay từ đầu việc chuyển đổi gồm người dân, chính quyền thành phố, nhà công nghệ và DN; trong đó lấy người dân làm trung tâm, các bài toán chính quyền định ra từ việc lắng nghe người dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân, mang lại lợi ích chính đáng cho người dân.
Phan Anh ghi
Bình luận (0)