Ngày 1-10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 tại TP HCM để nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Đạt 13/14 chỉ tiêu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết nền kinh tế nước ta phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. “Tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12-2014. Bình quân 9 tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ. CPI 9 tháng đầu năm thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát” - ông Phương khẳng định.
Ông Phương cũng cho biết thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm đạt 683.000 tỉ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Về 14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2015, ông Phương cho hay dự kiến đạt 13 chỉ tiêu. Chỉ tiêu không đạt là tỉ lệ che phủ rừng.
Đề cập vấn đề Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, ông Phương nói có tác động không lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều do ta chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và điều chỉnh tỉ giá VNĐ/USD từ đầu năm đến nay khoảng 5% để thúc đẩy sản xuất.
Theo tính toán sơ bộ, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng thêm khoảng 0,04% trong năm 2015 và 0,08% trong năm 2016. “Đến thời điểm hiện nay, các diễn biến giá dầu giảm, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam” - ông Phương khẳng định.
Chưa sẵn sàng cho hội nhập
Nhìn nhận kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhưng các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng nền kinh tế mới chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt, đột xuất và ngắn hạn.
Về lâu dài, những vấn đề phát triển bền vững, chúng ta có nhiều việc cần phải mổ xẻ. Đó là nhiều năm qua, tất cả chủ trương, chính sách, luật lệ, cơ chế, định hướng đều đúng nhưng khuyết điểm lớn nhất là “then cài quá chặt”; sự phối hợp các ngành, các cấp không đồng bộ, cứ lùng nhùng mà không giải quyết được.
Cũng theo ông Kiêm, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định song phương, đa phương nhưng điều kiện để thực hiện chưa đáp ứng. Ông Kiêm nêu dẫn chứng: “Tư duy, nhận thức của người lao động, người dân và doanh nghiệp, kể cả tư duy người lãnh đạo, rồi điều hành quản lý, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng để hội nhập thành công. Điểm thụt lùi lớn nhất hiện nay là vị trí của Việt Nam so với khu vực và thế giới ngày càng cách xa”.
Cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nói: “Vấn đề cần bàn nhất là phải đánh giá hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm qua. Ngoài 3 lĩnh vực ưu tiên, 2 nhóm vấn đề liên quan đến tái cấu trúc nông nghiệp và công nghiệp, thị trường, chúng ta đã làm được những gì?”.
Ông Lịch cũng cảnh báo tình trạng thu không đủ chi thường xuyên bởi đây là điểm làm cho dư địa của chính sách tài khóa hết dần. Vì thế, cần phải phân tích sâu điểm này để xem từ năm 2016 trở đi, dư địa cho chính sách tài khóa như thế nào vì đây là công cụ rất quan trọng để điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo ông Lịch, chính sách tiền tệ cũng không còn dư địa vì 9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng rất tốt, cao hơn vốn huy động nhưng lạm phát lại thấp, lãi suất không còn giảm được nữa. Rõ ràng ngân hàng không còn khả năng giảm thêm chi phí bởi phải trích lập dự phòng cho nợ xấu. Ông Lịch cho rằng cần phải làm rõ những vấn đề trên thì giải pháp đề ra cho những năm tiếp theo mới hiệu quả.
Có tình trạng xã nông thôn mới gánh nợ
Dẫn số liệu năm 2014 về tỉ lệ xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt 8%, năm 2015 đạt 20% nhưng đến năm 2016, kế hoạch dự kiến chỉ tăng 5%, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình, xem xét, đánh giá lại. “Phải chăng năm 2015 đại hội Đảng các cấp nên tỉ lệ mới tăng như vậy?” - ông Lợi đặt vấn đề.
Từ câu chuyện nông thôn mới, ông Lợi nêu thực trạng là hiện nay để đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đã cố gắng hoàn thành chỉ tiêu sớm để cán đích trước thời hạn. Tuy nhiên, sau khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã này phải gánh một khoản nợ hàng chục tỉ đồng. “Chuyện một xã nợ 20 tỉ đồng là có thật, nợ chỉ tiêu có thật, bỏ tiền ngân sách mua bảo hiểm y tế là có thật” - ông Lợi khẳng định.
Bình luận (0)