Đến cuối năm 2016, trên địa bàn TP HCM có 520 HTX, trong đó 391 HTX đang hoạt động. Theo Luật HTX 2012, các HTX tổ chức lại hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Đến nay, 368 HTX hoạt động theo mô hình này, 23 HTX chưa tổ chức lại hoạt động vì nhiều lý do khác nhau. Trong năm 2016, 50 HTX mới được thành lập, nhiều hơn hẳn những năm trước.
Thích nghi dần với cạnh tranh
Trong các lĩnh vực có khối kinh tế tập thể tham gia, vận tải chiếm số lượng lớn nhất với 179 HTX đang hoạt động, kế đến là thương mại - dịch vụ với 97 HTX, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có 79 HTX, nông - lâm - ngư nghiệp với 65 HTX...Trong đó, các HTX nông nghiệp được nhà nước hỗ trợ nhiều nhất.
Các HTX thương mại - dịch vụ ở TP HCM hoạt động khá năng động
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Liên minh HTX TP HCM, cho biết khu vực HTX đang có chuyển biến tích cực, dù khá chậm. Hiện khối HTX đóng góp cho kinh tế TP 0,8%, tăng 0,2% so với trước đây và hướng tới mục tiêu 1% trong năm 2020. Chín tháng đầu năm 2016, doanh thu các HTX thương mại - dịch vụ đạt trên 28.000 tỉ đồng, giao thông vận tải trên 2.100 tỉ đồng... Trong các lĩnh vực đều có những HTX đầu tàu hoạt động hiệu quả, vừa chăm lo tốt cho xã viên vừa hỗ trợ, dẫn dắt các HTX thành viên cùng phát triển.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, hoạt động của các HTX khá năng động, thích nghi với đòi hỏi cạnh tranh ngày càng cao của thị trường. Hầu hết HTX thương mại - dịch vụ đang từng bước tiếp cận và phát triển phương thức bán hàng văn minh, hiện đại, bảo đảm chất lượng hàng hóa và quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, Liên minh HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, HTX TMDV Củ Chi, HTX TMDV quận 11, HTX Tân Kiểng... là những điển hình.
Trong lĩnh vực vận tải, HTX 19-5, HTX số 9... là những con chim đầu đàn, đóng góp doanh thu, lợi nhuận lớn cho kinh tế HTX. Trong đó, HTX Vận tải 19-5 đang thử nghiệm mô hình quản lý tập trung thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Vận tải 19-5 để quản lý tập trung phương tiện trên một số tuyến.
Một loạt HTX nông nghiệp như Tiên Phong (nuôi heo); Phú Lộc, Phước An, Mai Hoa (sản xuất rau an toàn)... đã xây dựng được thương hiệu, sản phẩm được khách hàng tin dùng không chỉ ở TP HCM mà còn ở nhiều địa phương khác. Không dừng lại ở quy mô canh tác và chủng loại sản phẩm hiện có, HTX Phú Lộc đang triển khai thêm các hoạt động tìm kiếm, sản xuất và cung cấp giống rau mới có hiệu quả kinh tế cao. HTX Phước An vừa đầu tư thêm 4 xe tải để vận chuyển sản phẩm và xây dựng nhà sơ chế trên diện tích 280 m2...
Chưa phát huy được ưu thế
Bên cạnh những HTX hoạt động hiệu quả, vẫn còn nhiều đơn vị yếu kém, chưa phát huy được ưu thế của loại hình kinh tế này. Ngay cả những đơn vị đang hoạt động có lãi, mức chênh lệch doanh thu/lợi nhuận giữa HTX đứng đầu với những HTX khác là khá lớn. Chênh lệch doanh thu tối đa - tối thiểu trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ lên đến 10.000 lần, vận tải gần 3.000 lần. Đa số HTX có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động khá èo uột, cầm chừng do không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Thực trạng trên đã kéo dài nhiều năm, xuất phát từ những tồn tại của mô hình kinh tế HTX. Dù TP HCM xác định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong phát triển của địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội nhưng thời gian qua, kinh tế HTX chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều ban, ngành có tâm lý bỏ rơi lĩnh vực kinh tế này dù nhà nước và TP có những chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển. Chính sách hỗ trợ của nhà nước nhiều nhưng áp dụng chung cho các lĩnh vực hoặc nằm ở nhiều văn bản khác nhau trong khi năng lực của các thành viên HTX còn hạn chế nên việc tiếp cận chưa hiệu quả.
Ngoài ra, tình trạng hoạt động manh mún, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu liên kết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các HTX. Một số HTX vẫn còn tâm lý ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước. Cán bộ quản lý HTX còn yếu kém về năng lực chuyên môn, chưa qua đào tạo bài bản. Đến nay, chỉ khoảng 20% cán bộ điều hành các HTX có trình độ chuyên môn hoặc tốt nghiệp ĐH, cao đẳng. Không ít HTX có ban chủ nhiệm “lão làng” với tuổi đời trên 50, thậm chí trên 70, 80 dẫn đến hoạt động theo lối mòn, thiếu sự nhanh nhạy và không bắt kịp xu thế cạnh tranh.
Ngoài những hạn chế nêu trên, HTX còn gặp khó khăn về tài chính, không có tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn nên khó mở rộng sản xuất - kinh doanh và thị trường. Bên cạnh đó, do chưa chủ động trong hoạt động tiêu thụ, nhiều HTX gặp khó khăn về đầu ra và khó cạnh tranh với sản phẩm của các địa phương khác.
Lý giải nguyên nhân HTX chưa phát huy được hiệu quả hoạt động cũng như không thu hút đối tượng mới tham gia, một cán bộ HTX ở TP HCM cho rằng hạn chế của TP cũng là của chung cả nước. So với các mô hình kinh tế khác, HTX không hấp dẫn bởi người góp vốn nhiều hay ít đều có giá trị biểu quyết như nhau. Song song đó, lợi nhuận trong HTX được chia dựa trên giao dịch chứ không theo góp vốn - nghĩa là xã viên phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX nhiều thì mới được chia lãi nhiều, bất kể góp vốn nhiều hay ít.
Luật HTX 2012 được xây dựng với một số điểm không phù hợp khiến các HTX bị bó buộc, khó phát triển. Những quy định này nhằm hạn chế tình trạng HTX trá hình để hưởng ưu đãi nhưng vô tình làm khó những HTX quy mô lớn. Cụ thể, Luật HTX quy định tỉ lệ giao dịch nội bộ trong lĩnh vực nông nghiệp là 68%, phi nông nghiệp là 32% khiến những HTX quy mô lớn, có thị trường rộng gặp trở ngại khi bán hàng rộng khắp mà vẫn phải đáp ứng tiêu chí 32% khách hàng là xã viên của mình. HTX cũng không được đầu tư ra ngoài mô hình HTX quá 50% vốn điều lệ nên khó huy động được nguồn vốn lớn.
Kỳ tới: Thành công nhờ định hướng đúng
Khó xử lý HTX “biến mất”
Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, trong 129 HTX ngưng hoạt động, có những HTX đã “biến mất” cả chục năm nay. Hầu hết HTX chưa giải thể được là do vướng nợ thuế hoặc làm ăn thua lỗ, HTX tự giải tán mà không làm thủ tục giải thể, trả con dấu.
Liên minh HTX TP HCM đang thống kê danh sách HTX này để trình UBND TP xem xét xử lý.
Bình luận (0)