Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP ước tăng 7,61%, cao hơn mức 7,27% của cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tăng 7,1%, trong đó thu từ khu vực ngoài nhà nước tăng 12,5% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh 19,8%.
So với cùng kỳ năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng ổn định 6,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,8%. Đáng lưu ý, khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,91%, là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Một số ngành dịch vụ có tỉ trọng lớn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung như bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi; thông tin truyền thông; tài chính, ngân hàng; giáo dục và đào tạo...
Trong 6 tháng đầu năm, TP có 20.087 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 321.371 tỉ đồng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP tiếp tục tăng khá, trong đó số lượng nhà đầu tư rót vốn vào qua hình thức góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 2,2 tỉ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế TP vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế và tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, xu hướng chuyển dịch các doanh nghiệp lớn ra khỏi TP ngày càng rõ nét do sự vươn lên, cạnh tranh thu hút đầu tư của các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng lần đầu tiên giảm sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, trong khi hiện tượng đầu cơ đất đai, vi phạm pháp luật trong xây dựng vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. Nhiều công trình trọng điểm hiện đang gặp khó khăn về công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp.
Để đạt kết quả cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm và những năm tới, TP cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2018-2020; đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm tỉ lệ vốn sở hữu nhà nước. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo động lực cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể phát triển, cũng như có chính sách phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
Thách thức từ độ mở lớn của nền kinh tế
Một trong những khó khăn, thách thức của kinh tế TP là độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế TP sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết độ mở cửa nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là 244%GDP nên mỗi động thái, diễn biến từ những sự kiện lớn trên thế giới đều ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó có TP. Chẳng hạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay có cả cơ hội và thách thức đan xen với tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Bình luận (0)