Chiều 11-1, tại TP HCM, gần 300 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam đã có mặt tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) - Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để nghe các bộ ngành, chuyên gia kinh tế trao đổi về chủ đề "Định hình chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới".
Nỗ lực của doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng
Trao đổi tại diễn đàn, các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực của DN trong việc giữ được tăng trưởng kinh tế dương năm 2020. Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chính ý chí bền bỉ của DN là gốc rễ dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu tốt, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
"NHNN rất lo lắng về khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, từ tháng 4 đến tháng 7-2020, tăng trưởng tín dụng rất chậm dù trải qua 3 lần giảm lãi suất. Kết thúc năm 2020, tín dụng toàn hệ thống tăng hơn 12%, chứng tỏ nỗ lực của DN trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh nên tăng cầu về vốn" - ông Phạm Thanh Hà nêu.
Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn Ảnh: VIỆT TUẤN
Trước bối cảnh thế giới năm 2021 đang tiềm ẩn nhiều bất trắc từ dịch Covid-19 và các mối căng thẳng thương mại quốc tế song phương, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang thị trường EU, ASEAN. Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Nguyễn Xuân Thành đặt vấn đề: "Khát vọng và áp lực của kinh tế Việt Nam năm 2021 là tăng trưởng 7% trong điều kiện phải ứng phó với nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Năm 2020, dù duy trì được tăng trưởng dương nhưng trong kinh tế nội địa thì đầu tư của DN suy giảm, kể cả DN trong nước lẫn FDI; sức mua suy giảm. Xuất khẩu đang giữ vai trò quan trọng nhưng liệu năm nay có thể tăng mạnh, đa dạng hóa, tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại đã ký kết?".
Theo ông Thành, thời gian qua, Chính phủ đã làm rất tốt việc ổn định kinh tế vĩ mô, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, để bảo đảm kịch bản tăng trưởng kinh tế lạc quan cần phải phục hồi đầu tư DN tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng mà mặt bằng lãi suất thấp là động lực chính để thúc đẩy đầu tư của DN tư nhân tăng trở lại.
Tạo sức bật cho năm 2021
Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước, là năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển.
Theo các chuyên gia, huyết mạch của nền kinh tế đã được duy trì thông suốt trong năm 2020, kịp thời tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, của DN. Để tạo sức bật cho nền kinh tế trong năm 2021, những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng gồm nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, xây dựng, dịch vụ bán buôn, bán lẻ, dịch vụ gắn với kinh tế số kỳ vọng sẽ được tạo đà cho năm 2021. Trong đó, tâm lý và nỗ lực khôi phục lại sản xuất, gia tăng tổng cầu rất quan trọng.
Về kịch bản kinh tế năm 2021, các DN có mặt tại diễn đàn bày tỏ quan ngại về dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sức mua yếu của thị trường nội địa trong khi chưa thể phục hồi được giao thương, du lịch với thị trường nước ngoài; rất ít DN lo lắng về rủi ro bất ổn kinh tế và lãi suất tăng.
Ông Hoàng Hải Anh, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Mỹ, cho rằng nếu dịch bệnh không được kiểm soát sẽ gây rất nhiều xáo trộn cho nền kinh tế. "Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thế giới đã nói nhiều đến sức mua nội địa, ngay cả nền kinh phát triển mạnh như Trung Quốc cũng quay về thúc đẩy sức mua nội địa" - ông Hải Anh dẫn chứng và cho rằng thị trường nội địa tiếp tục là động lực cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc không ngừng thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư và DN hoạt động hiệu quả. Quá trình này cần được cải cách mạnh mẽ hơn nữa để góp phần tạo sức sống mới cho nền kinh tế.
Linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
Ông Phạm Thanh Hà cho hay trên cơ sở những kết quả tích cực của năm 2020; năm 2021, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra, giám sát nhằm duy trì ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam và trong ngành ngân hàng.
HÀ THỊ THU THANH - Chủ tịch Deloitte Vietnam:
Quản trị tinh thần lãnh đạo DN
Trong quản trị DN, một số từ khóa đặc biệt được gọi tên nhiều nhất trong thời gian qua đó là tính hoạt động liên tục của DN. Tuy vậy, điều quan trọng nhất trong quản trị của DN là quản trị tư tưởng, tinh thần của lãnh đạo. Năm 2021, quản trị khủng hoảng rất cần minh bạch, hiệu quả và quản trị tính hoạt động liên tục của DN. Trong quá trình phát triển, quản trị tư tưởng nhà lãnh đạo, sự kiên trì của họ là yếu tố hàng đầu.
ANDY HO - Giám đốc điều hành VinaCapital:
Nên đa dạng hóa kênh đầu tư
Yếu tố lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ đầu tư. Khi lãi suất đi xuống, nhà đầu tư rút tiền tiết kiệm đầu tư vào bất động sản, chứng khoán nhưng đầu tư dài hay ngắn cũng phải phụ thuộc vào lãi suất, cân nhắc 12-36 tháng phải trả tiền, còn phải tích lũy lợi nhuận, hạn chế trả cổ tức, dùng để tái đầu tư. Năm 2021 có nhiều kênh đầu tư và nên đa dạng hóa các kênh.
NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO - Viện Công nghệ Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP HCM):
Covid-19 "giúp" DN chuyển đổi số nhanh
Có đến 60% DN tồn tại được trong năm qua trả lời rằng họ chuyển đổi mô hình kinh doanh, áp dụng kinh tế chia sẻ, dữ liệu đám mây... để giao dịch gián tiếp trong và sau đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc đào thải lớn: DN nào cải cách thành công, tận dụng lợi thế, chuyển sang hình thức kinh doanh mới sẽ là thế hệ doanh nhân mới, đóng góp lớn cho nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, cũng mang lại nhiều thách thức lớn: Làm sao quản lý thu nhập, thu thuế được ở các tập đoàn công nghệ, làm sao cân bằng với kinh doanh truyền thống để được lợi cả hai.
ĐÀO TRỌNG KHOA - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam:
Logistics là xương sống
Câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng lớn đến ngành kinh tế thời gian qua cho thấy tầm quan trọng của ngành logistics. Đặc biệt, trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển thì logistics là xương sống, đóng vai trò duy trì hoạt động của các DN được xuyên suốt. Thực tế khi tổng cầu của toàn cầu giảm 10%, một số DN tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn 2 con số nhờ đẩy mạnh TMĐT. Logistics phục vụ cho ngành TMĐT hay ngành TMĐT kéo logistics phát triển cần có sự liên kết, giải quyết các vấn đề chung để giảm giá thành, cùng phát triển.
S.Nhung ghi
Bình luận (0)