Không đợi tới chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Việt Nam mới đây hay chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 11-2021, nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam. Từ những tín hiệu tích cực trong quan hệ kinh tế 2 bên sau các cuộc hội đàm, nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực kỳ vọng cơ hội hợp tác, làm ăn mới sẽ mở ra.
Đối tác FDI, ODA lớn
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy 4 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí đối tác quan trọng của Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đứng thứ 3/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản có 48 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 255,9 triệu USD.
Dòng vốn FDI của quốc gia này đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Lũy kế từ năm 1988 đến nay, Nhật Bản đầu tư 4.835 dự án vào Việt Nam với tổng vốn trên 64 tỉ USD. Riêng năm 2021, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam khi đăng ký số vốn gần 3,9 tỉ USD, tăng 64,6% so với năm trước.
Bộ KH-ĐT đánh giá vốn FDI của Nhật Bản có chất lượng và hiệu quả thực hiện cao. Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu hàng đầu nước này như: Honda, Toyota, Canon… đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. Hiện dòng vốn FDI Nhật Bản tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.
Đáng lưu ý, Nhật Bản còn là đối tác lớn nhất về hợp tác viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Tổng giá trị vay đến tháng 12-2019 là 2.578 tỉ yen (tương đương khoảng 23,76 tỉ USD), chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ. Đặc biệt, những năm gần đây, Nhật Bản liên tục cung cấp ODA cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Chẳng hạn, trong chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5-2016, phía Nhật công bố hỗ trợ khẩn cấp không hoàn lại 2,5 triệu USD ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; ký công hàm trao đổi cho dự án quản lý nước Bến Tre 24,79 tỉ yen và sẽ hỗ trợ Việt Nam ứng phó với vấn đề này trong trung, dài hạn.
Việt Nam là điểm đến của doanh nghiệp Nhật
Dòng vốn Nhật hứa hẹn sẽ thêm khởi sắc trong giai đoạn tới khi nhiều động thái cho thấy DN Nhật ngày càng đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát thực trạng của DN Nhật đầu tư tại nước ngoài, trong đó có thị trường Việt Nam, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM công bố hồi tháng 1, có tới 55,3% DN được hỏi cho biết có định hướng phát triển kinh doanh ở Việt Nam trong 1-2 năm tới, tăng 8,5 điểm phần trăm so với năm trước. Tỉ lệ này đứng đầu khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Đặc biệt, khối DN phi sản xuất như bán lẻ, tiêu dùng đánh giá cao thị trường nội địa Việt Nam.
Dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 sử dụng một phần vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong ảnh: Thi công bên trong ga Bến Thành. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết trong bối cảnh hoạt động đầu tư trên toàn thế giới bị hạn chế bởi dịch Covid-19, các DN Nhật Bản vẫn rất quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11-2021 đã thu hút sự tham gia của 1.000 người dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại đây, 45 biên bản ghi nhớ (MOU) với tổng trị giá lên tới 12 tỉ USD đã được trao đổi.
"Trong tình hình dịch Covid-19 như vừa qua, sức nóng đầu tư của DN Nhật vào Việt Nam - quốc gia đang thu hút sự quan tâm nhờ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu - đã một lần nữa được khẳng định. Lý do có thể kể tới là tiềm năng tăng trưởng, sự ổn định chính trị, nguồn nhân lực ưu tú và sự gắn bó về văn hóa giữa 2 nước" - Đại sứ Yamada Takio nhìn nhận.
Là doanh nhân người Việt tại Nhật Bản, ông Steve Bùi, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư tài chính Delta E&C, đang tư vấn cho các DN Nhật chuyển dịch từ nước thứ 3 sang Việt Nam. Ông cho hay đã có một số DN Nhật Bản khảo sát và trực tiếp xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam.
"Đại dịch Covid-19 dẫn đến sự thiếu ổn định về lương thực toàn cầu, kéo theo tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung thực phẩm, hàng thiết yếu. Đây là cơ hội cho Việt Nam thu hút nguồn vốn sạch, chính quy từ Nhật" - ông Steve Bùi nhận định và cho rằng cần có đề án chi tiết cùng cam kết từ phía DN Việt Nam về việc thực hiện đúng mục đích nguồn vốn đầu tư từ Nhật.
Ông Đinh Vĩnh Cường - Việt kiều Nhật, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group - cũng nhận định nhiều nhà đầu tư Nhật sẽ lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong thời gian tới, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản. Ông góp ý để hút nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, các địa phương cần cải thiện thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản hóa; đồng thời đưa ra các chính sách hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài dựa trên lợi thế cạnh tranh cụ thể.
Cơ hội cho hạ tầng, hàng không, du lịch
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bà Ono Hikariko, cho biết trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Kishida Fumio đã đề cập tới việc hoàn thành các công trình xây dựng đường sắt đô thị, cụ thể là đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1. Ngoài ra, dựa vào những khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng như xu hướng phát triển của Việt Nam, phía Nhật sẽ nghiên cứu hình thành những dự án hạ tầng chiến lược phù hợp với Việt Nam.
Trong lĩnh vực hàng không và du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho biết trước khi thị trường Trung Quốc phát triển mạnh vài năm nay, Nhật Bản đã là thị trường số 1 về du lịch của Việt Nam. Giai đoạn 1992-1997, Nhật Bản gần như là thị trường đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng nhanh và từng bước có tên trên bản đồ kinh tế đất nước. Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách Việt.
"Khoảng cách bay khoảng 5 giờ giữa Việt Nam và Nhật Bản rất thuận tiện cho việc đưa tất cả dòng máy bay thân rộng và thân hẹp vào khai thác. Điều này giúp giao lưu về hàng không giữa 2 nước tăng rất nhanh, bao gồm cả hãng hàng không Việt Nam, Nhật Bản và các hãng nước ngoài khai thác đường bay trung chuyển, góp phần thúc đẩy kinh tế, thương mại, du lịch…" - ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.
Với riêng Vietravel Holdings, Nhật Bản là thị trường truyền thống và trọng điểm. Từ năm 1993, Vietravel đã hợp tác xây dựng một công ty liên danh ở Nhật phục vụ khai thác du lịch, đón - đưa khách 2 chiều. Đến năm 2019, ngay trước thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, Vietravel có đến 4 đối tác lớn tại Nhật khai thác khách Nhật tới Việt Nam (inbound) và đưa khách Việt du lịch xứ sở hoa anh đào (outbound).
"Hãng hàng không Vietravel Airlines xác định Nhật Bản là thị trường chủ lực trong thời gian tới, sẽ khai thác đường bay ngay khi được cấp phép. Đặc biệt, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tại Việt Nam mới đây và dịp kỷ niệm 50 năm hợp tác chiến lược giữa 2 nước vào năm 2023 được kỳ vọng tạo thêm sự thông thoáng trong giao lưu về du lịch" - ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ.
Hợp tác thực chất
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết ngay sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi cuối năm ngoái, các bộ - ngành, địa phương, DN... hai nước đã tích cực thúc đẩy triển khai các cam kết, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao trên nhiều lĩnh vực. Chỉ 5 tháng sau chuyến thăm, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh đến đầu tư, thương mại, ODA, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ... đều được triển khai tích cực, thực chất. Nhiều cam kết trong chuyến thăm đã được thực hiện, như nối lại đường bay thường lệ giữa 2 nước; áp dụng hộ chiếu vắc-xin; mở cửa cho người lao động, thực tập sinh, sinh viên; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện vốn ODA; thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
"Thời gian tới, 2 bên sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực một cách thực chất, như: thúc đẩy kim ngạch thương mại, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, xuất khẩu sang Nhật, thúc đẩy chương trình vốn vay ODA thế hệ mới, đầu tư chất lượng cao, tăng cường chuyển giao công nghệ..." - Đại sứ Vũ Hồng Nam khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-5
Bình luận (0)