Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cho biết như vậy tại Diễn đàn Logistics năm 2022 chủ đề "Vị thế Logistics của TP HCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực" do Sở Công Thương TP HCM phối hợp một số đơn vị tổ chức ngày 30-9.
Theo Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng, thành phố đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành 1 ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) TP HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10%-15%.
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, TP HCM đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 3 trụ cột chính.
"Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, TP HCM cũng nhìn nhận có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics thành phố, bao gồm vấn đề về hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực" – bà Phan Thị Thắng nhìn nhận.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng phát biểu tại Diễn đàn Logistics TP HCM ngày 30-9
Về hạ tầng giao thông, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối TP HCM với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa 2 chiều giữa TP HCM với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Đặc biệt, TP HCM chỉ mới có Trung tâm logistics Khu Công nghệ Cao TP HCM (6 ha) vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. 6 trung tâm còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu (1/2000). Các dự án "tương tự trung tâm logistics" của DN triển khai như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), kho thương mại điện tử ở huyện Củ Chi… cũng đang trong quá trình xây dựng, chưa có trung tâm nào hoạt động thực sự.
"TP HCM xác định phải trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực logistics cho khu vực phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các DN logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra; mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố" - bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hiện cả nước có 699.566 DN logistics, trong đó có gần 4.000 DN logistics chuyên nghiệp. TP HCM chiếm 31% DN logistics cả nước và 54% số DN logistics chuyên nghiệp. Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu nhân sự logistics mỗi năm tăng khoảng 7,5%. Riêng TP HCM giai đoạn 2021-2025 cần 63.000 lao động logistic/năm, trong đó cần hơn 8.400 lao động logistics chuyên nghiệp.
"Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành logistic, TP HCM xác định 2 nhiệm vụ chiến lược là đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho DN logistics nhỏ và vừa để bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt. Cùng với đó là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để ngang bằng trình độ quốc tế. Có thể liên kết với các tỉnh để đào tạo" - đại diện Sở Công Thương TP HCM nói.
Bình luận (0)