Trong lúc cơ quan quản lý đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi sai phạm như: Vì sao thịt trâu được gắn nhãn mác “thịt bò”? Với khoảng hơn 10.000 tấn - đây là số lượng không nhỏ, tiêu thụ ở những đâu? Có hay không hiện tượng gian lận thương mại xuyên vùng?...
Tất cả những câu hỏi nêu trên đã bước đầu được lực lượng quản lý thị trường làm rõ. Một lượng lớn thịt trâu nhập lậu giả mạo thịt bò đã được đưa vào bếp ăn tập thể. Có hiện tượng gian lận thương mại xuyên vùng, khi đơn vị cung ứng nguồn hàng ở TP HCM phục vụ cho bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp ở Hà Nội.
Tuy nhiên, có tình trạng lấy hàng từ một tổng kho chuyển về các tỉnh, thành trên cả nước hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho cơ quan kiểm tra. Bước đầu, đơn vị cung ứng hàng đã giải trình về việc thịt trâu bị “gắn nhầm” mác thịt bò. Tuy nhiên, một vấn đề mà NTD và cơ quan quản lý đặt ra đó là số tiền “khủng” thu lợi bất chính từ việc giả mạo.
Số liệu từ cơ quan chức năng cho biết thịt trâu nhập khẩu với giá 40.000 đồng/kg nhưng được bán cho đơn vị cung ứng bếp ăn tập thể với giá khoảng 200.000 đồng/kg. Giả sử cả 10.000 tấn được đưa cả vào các bếp ăn đem lại khoản tiền chênh lệch cả ngàn tỉ đồng.
Theo quy luật của thị trường, lợi nhuận không phải sinh ra từ khâu sản xuất thì phải xuất hiện qua khâu trung gian trước khi đến khâu tiêu thụ cuối cùng. Nhưng trong sự việc này, khâu trung gian thay vì các siêu thị, trung tâm thương mại là nơi phải tiêu thụ mặt hàng thịt trâu không tham gia vào chuỗi cung ứng, điều này có nghĩa là khâu phân phối ở đây chính là các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp, với nhiều khả năng họ không biết đây là mặt hàng thịt trâu hoặc có biết mà làm ngơ vì giá chênh lệch quá cao, bất chấp cả sức khỏe của một lượng lớn người sử dụng…
Tất cả những vấn đề này cơ quan quản lý cần tiếp tục điều tra, để ngoài mặt hàng thịt trâu ra, liệu còn những mặt hàng nào khác đội lốt giả mạo được đưa ra để lừa người tiêu dùng hiện nay?
Bình luận (0)