Người tiêu dùng Trung Quốc lại một phen rúng động khi có thông tin mặt hàng táo nổi tiếng Hồng Phú Sĩ được bọc trong một loại túi tẩm thuốc trừ sâu độc hại từ lúc còn non. Loại táo này không chỉ tiêu thụ trong nội địa Trung Quốc mà còn xuất bán sang một số nước. Tại Việt Nam, táo Trung Quốc được bày bán tràn ngập, trong đó có cả loại được cho là Hồng Phú Sĩ.
Ê hề khắp nơi, giá lại rẻ
Theo khảo sát của phóng viên, tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội, táo có xuất xứ từ Trung Quốc được bán khá phổ biến với mức giá 45.000 - 65.000 đồng/kg, tùy loại. Chị Phạm Tuyết Hoa, chủ một cửa hàng bán trái cây ở chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, cho biết cửa hàng của chị có bán một số loại táo nhập khẩu, trong đó có táo đường Trung Quốc.
Lúc nhập về, loại táo này chỉ được gọi là táo đường cao cấp nhưng một số người tiêu dùng quả quyết đây chính là thương hiệu táo nổi tiếng Hồng Phú Sĩ của Trung Quốc. “Táo đường tuy không ngon bằng các loại táo nhập từ Úc hay Mỹ nhưng giá rẻ hơn 3 - 4 lần nên rất nhiều người mua để ăn hoặc làm quà biếu” - chị Hoa giải thích.
Trong khi đó, tại TPHCM, táo Trung Quốc có mặt khắp nơi, từ chợ đầu mối đến chợ lẻ và cửa hàng, kể cả các quầy, sạp lề đường. Trái cây Trung Quốc nói chung và mặt hàng táo - chiếm đến gần 50% - không chỉ có mặt tại TPHCM mà còn tiêu thụ mạnh tại các tỉnh, kể cả vùng trọng điểm trái cây ĐBSCL.
Táo và trái cây Trung Quốc bày bán ê hề khắp nơi ở nước ta. Ảnh: HỒNG THÚY
Theo giới kinh doanh, trái cây Trung Quốc còn được vận chuyển bằng xe tải nặng từ biên giới về thẳng các điểm phân phối khác trên địa bàn TPHCM mà không vào chợ đầu mối, đến cả chục xe hằng đêm. Ngoài ra, nhiều xe tải vận chuyển hàng từ biên giới giao trực tiếp xuống các tỉnh ĐBSCL.
“Chưa hết bàng hoàng về hàng loạt thực phẩm Trung Quốc độc hại thì nay, chúng tôi lại không khỏi lo lắng khi hay tin một loại táo của nước này bọc trong túi tẩm thuốc trừ sâu. Táo và trái cây Trung Quốc nói chung vốn rẻ nên được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Tuy nhiên, chắc từ nay, chúng tôi không dám mua loại trái cây này nữa” - chị Trần Thị Phượng, ngụ chung cư Vườn Lài, quận Tân Phú - TPHCM, ngao ngán.
Tăng cường kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT, trái cây Trung Quốc phần lớn được vận chuyển vào Việt Nam bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh... Nói về việc nông dân Trung Quốc dùng những chiếc túi nhựa tẩm thuốc trừ sâu để bọc táo, ông Hồng cho biết chưa rõ loại thuốc này có thể gây độc như thế nào. Tuy nhiên, ông khẳng định tới đây, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tăng cường kiểm tra, lấy các mẫu táo Trung Quốc xét nghiệm để kịp thời đưa ra cảnh báo tới người tiêu dùng.
Ông Hồng cho biết trên thị trường hiện có rất nhiều loại táo được nhập từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand… Thời điểm này không phải là mùa thu hoạch táo Trung Quốc nên lượng hàng nhập về Việt Nam thường là loại trái vụ. Mùa thu hoạch táo Trung Quốc thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, vì thế, loại trái cây này cũng được nhập nhiều sang Việt Nam từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. “Đây là lúc táo đang ra hoa, kết quả. Có thể vì thế mà người ta phát hiện việc nông dân Trung Quốc bọc táo bằng những túi tẩm hóa chất để ngăn chặn sâu bọ xâm hại” - ông Hồng dự đoán.
“Thực tế, các sản phẩm táo của Trung Quốc sau khi thu hoạch đều được tẩm hóa chất nhưng qua kiểm tra cho thấy các loại hóa chất này nằm trong danh mục được phép sử dụng để chống lại các chất ôxy hóa trong quá trình vận chuyển, lưu thông” - ông Hồng cho biết.
“Hô biến” thành trái cây Úc, Thái Lan... Những thông tin dồn dập về rau củ quả Trung Quốc không an toàn đã tác động mạnh đến người tiêu dùng. Vì thế, nhiều người có tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc. Trước lợi nhuận quá lớn từ trái cây Trung Quốc, trong khi chúng lại bị người tiêu dùng dần dà cạch mặt, hầu hết người bán hàng đều né chữ Trung Quốc. Thay vào đó, họ giới thiệu với người tiêu dùng đây là trái cây nhập từ New Zealand, Úc, Thái Lan, Mỹ… nhưng thực chất, đa số đều là hàng Trung Quốc.
N.Hải |
Đẹp mà độc! Truyền thông Trung Quốc hôm 11-6 đưa tin chấn động về thương hiệu táo nổi tiếng nước này mang tên Hồng Phú Sĩ ở huyện Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Loại táo này được trồng phổ biến ở hai thị trấn Thê Hà và Chiêu Viễn, ngay từ lúc còn non đã bị bọc một loại túi tẩm thuốc trừ sâu vốn cấm sử dụng cho đến khi quả chín. Người phát ngôn của huyện Yên Đài từ chối bình luận thông tin trên báo chí nhưng thừa nhận “công nghệ” bọc táo bằng hóa chất đã được phát hiện trước đó tại một số trang trại. Vào tháng 3-2012, chính quyền địa phương phát hiện hơn 2 triệu túi tẩm thuốc trừ sâu được bày bán và đã ra văn bản cấm sử dụng thuốc trừ sâu vào túi bọc táo. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra nhan nhản. Những chiếc túi có màu vàng nhạt được làm bằng giấy tái chế, bên trong bám đầy hạt bột trắng. Người dân trồng táo khi buộc túi đều phải đeo găng tay và khẩu trang nếu không muốn bị ngộ độc. Những trái táo được bọc túi thuốc trừ sâu khi chín rất đẹp và không hề có dấu hiệu nấm mốc nên bán được giá cao. Chỉ tính riêng các chợ đầu mối lớn tại Bắc Kinh, mỗi năm đã tiêu thụ hơn 100.000 tấn táo Hồng Phú Sĩ. Tuy nhiên, không ai biết thuốc trừ sâu thẩm thấu trực tiếp vào quả như thế nào và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe người tiêu dùng ra sao. Ngay cả khi phóng viên tờ Tân Kinh đem mẫu túi tẩm thuốc trừ sâu đến Bắc Kinh kiểm tra thành phần cũng như độc tính, các cơ quan chuyên môn đều từ chối xét nghiệm. Một chủ xưởng gia công túi bọc táo tên Lương Ngọc Cương cho biết: “Đó là thuốc trừ sâu gì tôi cũng không rõ nhưng chắc chắn là loại không được phép sử dụng, đa số đều mua từ tỉnh Hà Bắc. Mỗi túi có giá bán 3 xu, nếu cho thêm thuốc trừ sâu thì 5 xu”. Để trấn an dư luận, Nhân Dân Nhật báo hôm 11-6 đăng ý kiến phản hồi của ông Chu Tấn Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, khẳng định việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp nước này đã an toàn hơn trước rất nhiều. Theo ông Chu, trước đây, dư lượng thuốc trừ sâu trong nông sản Trung Quốc ở mức 50% thì nay giảm còn 10%. Ông Chu cũng cam đoan 98% gạo và hoa quả, 95% rau xanh do Trung Quốc sản xuất bảo đảm an toàn (theo tiêu chuẩn của Trung Quốc). Tiếp đó, chính quyền huyện Yên Đài mở một cuộc họp báo hôm 13-6, cam kết thắt chặt các biện pháp bảo đảm chất lượng táo sản xuất tại địa phương và tuyên bố sẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất loại túi nhựa nêu trên nếu phát hiện sai phạm. Huệ Bình |
Bình luận (0)