Ông Nguyễn Văn Ly (xã Thành Long, huyện Châu Thành) cho biết trồng 6ha mía, vừa thu hoạch 4ha nhưng đã lỗ hơn 40 triệu đồng. “Do mía bị sâu đục thân, năng suất chỉ đạt 60 tấn/ha và chữ đường thấp, giá mua không cao nên phải chịu lỗ” - ông Ly cho biết.
Tương tự, ông Hồ Hồng Phi trồng 44ha mía ở Thành Long cũng cho biết mía chỉ đạt 56 tấn/ha, giá mua thấp nên thu hoạch xong nhà máy trừ hết tiền không còn đồng nào.
Tuy nhiên, ông Phi bị lỗ nặng khoản thuê đất trồng mía với tổng cộng mức lỗ hơn 700 triệu đồng.
Trường hợp của ông Lưu Văn Trai (xã Thành Long) càng bi đát hơn. Hơn 28ha đất thuê trồng mía với mức lỗ khoảng 20 triệu đồng/ha (chủ yếu tiền thuê đất), vụ mía này ông lỗ gần 600 triệu đồng, cộng với khoản nợ 300 triệu đồng tiền phân bón của hai vụ trước đó, gia đình ông đang gánh khoản nợ gần cả tỉ đồng.
Do thua lỗ nặng với cây mía, nhiều nông dân tại Tây Ninh ào ạt phá ruộng mía để chuyển sang trồng mì.
“Sau khi thu hoạch 22ha mía tôi đã phá 4ha để chuyển sang trồng mì, số còn lại tôi sẽ tính toán xem có nên chuyển qua trồng mì hay không” - ông Phi cho biết. Tương tự, ông Trai cũng phá hơn 8ha mía để chuyển sang trồng mì.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Chỉ riêng tại xã Thành Long, trong mười hộ vừa thu hoạch mía sớm đã có tám hộ chuyển sang trồng mì. Tổng diện tích mía của xã hiện chỉ còn 1.600ha, giảm hơn 400ha so với đầu vụ.
Ngược lại, diện tích mì trên địa bàn xã tăng từ 1.200 lên hơn 1.500ha. Thậm chí diện tích mía tại xã Phước Ninh (Dương Minh Châu) hiện chỉ còn 150ha so với con số 1.400ha trước đó. Ngược lại, diện tích mì đã tăng thêm 1.600ha, hiện vào khoảng 2.200ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Quốc Thới, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết hơn 1.500ha mía trên địa bàn đã bị nông dân phá bỏ do thu nhập thấp, phần lớn diện tích này được chuyển sang trồng mì.
“Do nhiều người dân đổ xô trồng mì, diện tích trồng mì trên địa bàn hiện đã lên tới 50.000ha, vượt xa con số 30.000ha theo như quy hoạch. Ngược lại, diện tích mía được quy hoạch khoảng 30.000ha, nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 16.000ha” - ông Thới cho biết.
Theo ông Vương Quốc Thới, sản lượng mì chỉ mới khoảng 1,5-2 triệu tấn/năm, đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu các nhà máy chế biến mì tại địa phương. Tuy nhiên về lâu dài, nếu diện tích mì tiếp tục phát triển mạnh, nguy cơ thua lỗ với cây mì và phá bỏ diện tích mì để chuyển sang trồng mía sẽ tái diễn.
“Chúng tôi không thể can thiệp vào việc chọn lựa cây trồng của nông dân, nhưng cũng khuyến cáo nông dân không trồng mì ở những vùng trũng nước để đảm bảo năng suất và hiệu quả. Bởi trong năm 2014 đã có 1.000ha mì bị úng nước gây hư hỏng” - ông Thới nói.
Bình luận (0)