Báo Người Lao Động thời gian qua liên tục nhận được đơn kêu cứu từ bạn đọc vì bị doanh nghiệp (DN) kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ (SHKN) mời chào, dụ dỗ mua sản phẩm này và trở thành nạn nhân của họ. Những người đã lỡ mua hợp đồng SHKN đã nhiều lần đến tận công ty đòi hủy hợp đồng để lấy lại tiền nhưng không được đáp ứng.
Người già cũng không tha!
Ông Nguyễn Văn Phước ở quận 1, TP HCM, có đơn gửi đến báo vì bị lừa mua SHKN. Theo đơn, ngày 20-4-2023, ông được Công ty TNHH Holidays Việt Nam chi nhánh TP HCM (Holidays) mời tham gia sự kiện và đã mua gói nghỉ dưỡng 7 năm với số tiền 130 triệu đồng, trong đó trả trước 30% là 39 triệu đồng, số còn lại trả qua ngân hàng được phía Holidays thông tin là đơn vị ký kết với Holidays. Tuy nhiên, khi ông Phước đến để làm thủ tục thì ngân hàng này từ chối hỗ trợ hợp đồng, vì cho rằng khách hàng đã lớn tuổi (ông Phước sinh năm 1947), không đủ điều kiện thực hiện hợp đồng.
Ông Phước cũng đã làm đơn gửi đến Holidays đề nghị ngưng thực hiện hợp đồng và trả lại số tiền đã đóng nhưng phía Holidays không thực hiện.
Tương tự, bà Đoàn Tố Nhi, sinh năm 1948 (quận Bình Thạnh) cũng có đơn gửi đến Báo Người Lao Động phản ánh việc được Holidays chào mời đến công ty vào khoảng tháng 5-2023 để tham dự sự kiện và nhận quà tặng voucher du lịch Đà Lạt.
Tại đây, họ mời chào bà ký hợp đồng SHKN du lịch, chỉ cần đóng trước 30%, còn lại trả góp qua ngân hàng mỗi tháng chỉ vài triệu đồng. "Họ còn hứa sẽ giúp bán lại để cho tôi thu tiền về. Tôi nói là không mang theo tiền nhưng họ không tin, tôi mở ví cho họ xem chỉ có 500.000 đồng nhưng họ vẫn lấy luôn" - bà Nhi kể.
Nhân viên một công ty sở hữu kỳ nghỉ đón khách tại sự kiện tổ chức ở quận 3, TP HCM. Khách mời đến phải đúng tuổi, CCCD, mới được cho vào Ảnh: BÌNH AN
Hôm sau họ liên tục gọi điện thoại yêu cầu bà Nhi đóng tiền. Thậm chí, nhân viên công ty cùng bà Nhi ra ngân hàng rút 60 triệu đồng nhưng nhân viên ngân hàng khuyên bà không nên tham gia. Tuy vậy, nhân viên của Holidays tiếp tục thúc ép rồi chở bà về công ty, sau đó hết người này đến người khác chào mời, thúc giục bà ký hợp đồng.
Trong đơn, bà Nhi nêu hợp đồng rất dài, chữ nhỏ, mắt kém không đọc được thì họ cho nhân viên đọc rồi mời bà ký vào. Điều đáng nói là đến nay, bà vẫn chưa nhận được hợp đồng này vì công ty nói phải gửi ra Hà Nội ký.
"Sau khi suy nghĩ kỹ và đọc thông tin tham khảo trên báo, tôi mới biết bị lừa, gọi điện đòi lại tiền nhưng họ trấn an rồi đưa đến ngân hàng làm thủ tục trả góp. Khi ngân hàng từ chối vì tôi đã quá tuổi quy định của ngân hàng nhưng Holidays vẫn không đồng ý trả lại tiền mà yêu cầu tôi đóng hết một lần hoặc trả góp với họ" - bà Nhi bức xúc.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với Công ty TNHH Holidays Việt Nam có văn phòng tại quận 3, TP HCM và được bộ phận tiếp nhận của công ty ghi nhận 2 đơn khiếu nại của khách hàng gửi. Phía công ty nói sẽ báo cáo cho bộ phận có trách nhiệm xử lý, cũng như đặt lịch hẹn với phóng viên để thông báo về vụ việc. Tuy nhiên, nhiều tuần trôi qua chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía công ty này.
Trong khi đó, bà Đoàn Tố Nhi cho biết cách đây vài tuần, bà có đến văn phòng công ty ở TP HCM và phản ứng mạnh mới được họ đưa hợp đồng. Hiện tại, bà đang tập hợp những người khác để tiếp tục khiếu nại đến cơ quan chức năng đòi lại tiền đã đóng.
Một trường hợp khác là đơn của bà Trần Thị Đoan Trang ở quận Gò Vấp, phản ánh vào đầu năm 2021, nhân viên Công ty I.V mời tham dự sự kiện và bán hợp đồng SHKN hơn 127,3 triệu đồng. Nhân viên tên D.T nói với bà Trang muốn đọc hợp đồng phải đóng trước 10%. Tuy nhiên, khi bà Trang đưa thẻ ngân hàng thì người này quẹt luôn 50% giá trị hợp đồng là 63,687 triệu đồng. Bà Trang không đồng ý thì nhân viên này nói: "Tối rồi, để thứ hai bên em sẽ liên hệ ngân hàng để làm thủ tục chuyển trả tiền cho chị".
Tuy nhiên, sau đó bà Trang không liên lạc được với nhân viên này nên phải đến công ty nhiều lần để đòi lại tiền nhưng không có ai giải quyết. Bà Trang cho biết nhiều lần kiện công ty trên ra tòa nhưng đều bất thành. Mãi đến tháng 7 vừa qua, TAND quận 1, TP HCM mới đồng ý để phía Công ty I.V mua lại hợp đồng của bà với số tiền chỉ 17 triệu đồng. Vì quá mệt mỏi nên bà đành chấp nhận.
Giả mạo đơn vị liên kết?
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian qua rất nhiều khách hàng khác cũng bị chiêu lừa mạo danh công ty du lịch, hãng hàng không tặng voucher vé máy bay, khách sạn, thực chất là mời ký hợp đồng mua các sản phẩm SHKN.
Bà Võ Thị Phúc Lộc (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết đã có đơn tố cáo đến công an phường nơi cư trú về hành vi vi phạm của công ty Holidays. Bà Phúc Lộc kể đã tham dự một sự kiện khi Holidays giới thiệu là sự kiện của hãng hàng không, đặt cọc 5 triệu đồng để được nhận 2 voucher.
"Một voucher là 2 vé máy bay khứ hồi TP HCM đi Đà Lạt, Nha Trang, trong khi voucher còn lại là 2 đêm nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Voucher thực chất không sử dụng được, khi tôi ra công an phường làm đơn tố cáo thì cán bộ công an cho hay cũng có một số người bị lừa tương tự tôi đến đây làm đơn" - bà Lộc kể.
Sau khi nhận được cuộc gọi mạo danh Vietnam Airlines tổ chức sự kiện tặng voucher nghỉ dưỡng cho khách hàng, phóng viên Báo Người Lao Động đã tới địa điểm tổ chức sự kiện của công ty Holidays trên đường Lê Quý Đôn, quận 3.
Tại đây, nhân viên công ty yêu cầu phải cho xem CCCD, thư mời tên đích danh mới được vào tham gia sự kiện. Ở khu vực chờ được xác nhận để mời lên công ty, phóng viên quan sát thấy có cả khách hàng đến khiếu nại về việc sau khi ký hợp đồng xong thì không liên lạc được với nhân viên tư vấn lẫn tổng đài của công ty.
Về việc hãng hàng không bị mạo danh để tổ chức sự kiện tặng voucher, đại diện Vietnam Airlines cho biết không liên kết với đơn vị nào tổ chức sự kiện tặng voucher du lịch, vé máy bay cho hành khách, trong đó bao gồm cả công ty Holidays.
Thực tế, hoạt động mua bán sản phẩm SHKN du lịch (timeshare) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Những năm qua, mô hình này được triển khai khá phổ biến tại Việt Nam, được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm ngàn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường; các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí; khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.
Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà của người dân để lừa đảo, trục lợi.
Ngay cả phóng viên Báo Người Lao Động cũng không ít lần nhận được cuộc gọi của công ty kinh doanh SHKN mời đi tham dự sự kiện, nhận voucher nhưng mạo danh hãng hàng không, công ty du lịch…
Cần coi kỹ hợp đồng
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) gần đây đã có một số khuyến cáo người tiêu dùng trước khi tham gia vào các hợp đồng SHKN, như: cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm.
Trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt ở những vấn đề, như: xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài; so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc "cam kết miệng" của DN với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng.
Khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị DN giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần lưu ý các vấn đề quan trọng như mô tả dịch vụ được cung cấp, các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của DN; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm… Đặc biệt là những điều khoản bất lợi trong hợp đồng, như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm…
Bình luận (0)