Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM đã tiếp nhận hàng chục đơn khiếu nại cùng hàng loạt phản ánh liên quan đến sở hữu kỳ nghỉ.
Khiếu kiện tràn lan
Ông P. T. Hải (ngụ quận 3) đã gửi đơn nhờ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM can thiệp vì mua sở hữu kỳ nghỉ và không thể hủy hợp đồng. Theo đơn khiếu nại, ngày 20-6, ông Hải thỏa thuận mua sở hữu kỳ nghỉ trọn đời của Công ty TNHH Yes International với giá 85 triệu đồng và đã thanh toán 52,5 triệu đồng. Nhân viên công ty này liên tục yêu cầu ông đóng số tiền còn lại nhưng không cung cấp hợp đồng hay cam kết gì. "Sau nhiều lần cãi vã, tôi mới được đọc hợp đồng và thấy bất lợi nên quyết định hủy hợp đồng nhưng không được giải quyết" - ông Hải bức xúc.
Tương tự, ông B.Q. Tuấn (ngụ quận 7) yêu cầu Công ty TNHH Resort Vacations thanh lý hợp đồng mua bán quyền hội viên Classic Escapes. Theo đó, ngày 18-7, vợ chồng ông ký hợp đồng và đặt cọc trước 60 triệu đồng nhưng tham khảo thêm các nơi khác, phát hiện nhiều thông tin không hay về công ty này nên yêu cầu hủy hợp đồng. Ông B.T. Hiển (ngụ quận 1) cũng gửi đơn tố cáo Công ty Resort Vacations không trả 50 triệu đồng tiền đặt cọc.
Nhân viên một công ty đang tư vấn gói sở hữu kỳ nghỉ cho khách hàng Ảnh: NGUYỄN HẢI
Mới đây, bà H.N.V (ngụ huyện Bình Chánh) phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc nghi ngờ Công ty TNHH Khu du lịch V.T.Đ có những sai phạm, lừa dối khách hàng. Theo đơn khiếu nại, bà V. chọn gói sở hữu kỳ nghỉ 17.500 USD, tương đương 397,6 triệu đồng, đã đặt cọc trước hơn 119 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty này đã thiết lập giao dịch giả tạo, lập lờ lừa dối khách hàng. Bên cạnh đó, giao dịch được xác lập trên cơ sở không trung thực làm khách hàng hiểu sai lệch về đối tượng giao dịch. "Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nhưng bản chất là công ty cho thuê phòng, căn hộ nghỉ dưỡng là sản phẩm của dự án. Ngay cả việc xem căn hộ nghỉ dưỡng của công ty này là một bất động sản hình thành trong tương lai thì tài sản này cũng chưa đáp ứng đủ điều kiện để được phép đưa vào kinh doanh" - bà V. dẫn chứng.
Một nạn nhân khác trót đặt cọc 138 triệu đồng nhưng không lấy lại được tiền là ông L. Đình ở quận Thủ Đức. Ông Đình đã liên hệ với Công ty V.T.Đ nhiều lần để đòi lại tiền đặt cọc nhưng không được giải quyết.
Lúng túng quản lý
Theo các luật sư, doanh nghiệp (DN) du lịch, hiện khái niệm về sở hữu kỳ nghỉ chưa được đề cập trong các luật, quy định liên quan đến du lịch nên cả người mua loại hình này lẫn cơ quan quản lý đang lúng túng. Ở nước ngoài, sở hữu kỳ nghỉ chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi, cho thuê trước các khách sạn, resort để nghỉ dưỡng trong thời gian dài. Khi về Việt Nam, loại hình này bị biến tướng, nhập nhằng giữa cho thuê và sở hữu, tạo kẽ hở cho một số công ty vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho biết đây là kiểu "bán lúa non", tức bán căn hộ của dự án chưa hoàn thành. Bên bán có thể bán đến 2 lần, vừa bán kỳ nghỉ dưỡng vừa bán căn hộ nghỉ dưỡng.
Ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Công ty Luxury Travel, cho rằng về bản chất, đây là một dạng đặt trước phòng khách sạn, resort để nghỉ ngơi nhưng với giá cao chứ không phải người mua được sở hữu bất động sản. Vì vậy, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu quy định để quản lý mô hình này, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh chung của du lịch Việt Nam.
Là người bảo vệ quyền lợi cho nhiều khách hàng đã từng mua loại hình sở hữu kỳ nghỉ, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng đây là mô hình mới mẻ và phức tạp nên không phải khách hàng nào cũng hiểu rõ trước khi ký hợp đồng. Một số người khiếu nại đến ngành du lịch nhưng cơ quan quản lý nói chỉ quản lý khách sạn hiện hữu, trong khi sở hữu kỳ nghỉ là khách sạn hình thành trong tương lai nên chưa ai quản. "Một số dự án kinh doanh mô hình sở hữu kỳ nghỉ vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ này theo Luật Du lịch mà vẫn ký hợp đồng với khách hàng là vi phạm pháp luật" - luật sư Trương Anh Tú cho biết và nêu quan điểm nên cấm mô hình này.
Theo các chuyên gia, việc DN nhận tiền để cho khách hàng nghỉ ngơi, lưu trú là thuộc phạm vi quản lý của ngành du lịch. Do đó, các cơ quan chức năng ngành du lịch cần theo dõi, giám sát hoạt động này nhằm điều chỉnh, đưa về quỹ đạo để tránh mập mờ, thiệt hại cho khách hàng và cả ngành du lịch.
Tòa án TP Nha Trang đã thụ lý 37 hồ sơ khởi kiện
Một số khách hàng của mô hình sở hữu kỳ nghỉ đã lập "nhóm nạn nhân" để đòi tiền đặt cọc. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một khách hàng của Công ty Vịnh Thiên Đường, cho biết hiện nhóm có hơn 70 thành viên và rất nhiều người liên hệ xin gia nhập nhóm. Hơn một năm qua, nhóm đã gửi đơn thưa kiện đi khắp nơi cầu cứu. Các thành viên của nhóm đã gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng cũng chưa có kết quả. Gần đây, nhóm tiếp tục gửi đơn tố cáo công ty này đến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết đã tiếp xúc với hàng trăm người có giao dịch với Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, trong đó có 37 hồ sơ đã nộp đơn khởi kiện từ đầu năm 2018 và TAND TP Nha Trang đã thụ lý. Trong đó có nhiều vụ hòa giải không thành, đang chờ đưa ra xét xử.
Bình luận (0)