Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5-2022 cho thấy tốc độ tăng tiền gửi của dân cư nhanh hơn tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 5-2022, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,56 triệu tỉ đồng - tăng 5,07% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng cũng ghi nhận thêm 1 tháng tăng liên tiếp kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay.
Trong tháng 5-2022, tiền gửi của dân cư tăng hơn 36.909 tỉ đồng so với tháng trước. Nếu so với cuối năm ngoái, tiền gửi của dân cư đã tăng tới 268.500 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tốc độ tăng dòng tiền nhàn rỗi từ khách hàng cá nhân cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.
Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 5-2022 đạt hơn 5,56 triệu tỉ đồng. Nguồn: NHNN
Lãi suất huy động liên tục nhích lên thời gian qua, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… không còn hấp dẫn được cho là nguyên nhân khiến dòng tiền tiết kiệm chảy nhiều vào ngân hàng.
Với chứng khoán, sau những đợt giảm điểm liên tiếp của chỉ số VN-Index từ vùng đỉnh 1.530 về dưới 1.150 trong nửa đầu năm 2022, giá nhiều cổ phiếu đã "bốc hơi" tới 50-70%, thậm chí 80% khiến nhiều nhà đầu tư đóng tài khoản, tắt ứng dụng (app) hoặc rút tiền khỏi chứng khoán.
Trong khi đó, lãi suất huy động liên tục tăng những tháng qua. Hiện nay, nhiều ngân hàng huy động tiền gửi ở mức lãi suất trên 7%/năm khi gửi tiết kiệm online hoặc gửi dài hạn, kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm nhiều hơn.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II/2022. Lãi suất huy động được dự báo có thể tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động được kỳ vọng tăng 1 - 1,5 điểm %.
Trước đó, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh trong quý III/2022 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,9% trong quý III và tăng 11,5% trong cả năm nay. Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các tổ chức tín dụng dự báo có thể tăng nhẹ trong quý III/2022 và cả năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.
Bình luận (0)