Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm (tính đến 21-6), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%. Cùng kỳ năm ngoái, huy động vốn tăng tới 4,35% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 2,45%.
Diễn biến này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua.
Theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng lãi suất nửa đầu năm 2021 đã tương đối ổn định sau khi giảm mạnh trong năm ngoái. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VNĐ ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4 - 5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6 - 6,7%/năm.
Lãi suất tiền gửi được duy trì ở mức thấp từ đầu năm đến nay
Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần mới nhất, Công ty chứng khoán SSI cho rằng nửa đầu năm 2021, lãi suất tiền gửi ổn định ở mức thấp trong khi lãi suất cho vay giảm nhẹ ở các lĩnh vực ưu tiên.
"Môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch lãi suất tiền gửi - cho vay sẽ chịu áp lực thu hẹp. Lãi suất tiền gửi có thể tăng khoảng 0,5 điểm % trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay" - các chuyên gia phân tích của SSI nhận định.
Trong báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021, Công ty chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 0,25 - 0,3 điểm % trong nửa cuối năm do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao hơn về cuối năm. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần duy trì mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh huy động vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Diễn biến dòng tiền nhàn rỗi chảy một phần qua kênh chứng khoán cũng được các chuyên gia kinh tế, công ty chứng khoán đề cập gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng tài khoản giao dịch đăng ký mới trên thị trường chứng khoán lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 482.800 tài khoản, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020. Mỗi ngày có gần 2.700 tài khoản chứng khoán mở mới.
Trong khi đó, một vài ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào sau thời gian dài giữ ở mức thấp.
Cụ thể, trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Vietcombank đã tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng lên mức ngang bằng 3 ngân hàng thương mại nhà nước khác là Vietinbank, BIDV, Agribank, sau khi duy trì mặt bằng lãi suất thấp từ đầu năm 2021 đến nay.
Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietcombank là 5,5%/năm kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietinbank, Agribank và BIDV là 5,6%/năm các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên…
Với lãi suất cho vay, nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định từ nay đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ tăng trưởng và giúp doanh nghiệp phục hồi giai đoạn Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; cho vay bằng USD bình quân ở mức 3-6%/năm.
Bình luận (0)