Các chuyên gia kinh tế và tổ chức dự báo thế giới vừa đưa ra cảnh báo mới về khả năng lạm phát cao ở Việt Nam kể từ tháng 9.
Nhiều sức ép tăng giá
Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tổng cộng 3,53% nhưng so với cùng kỳ tháng 8-2012 thì GDP đã tăng 7,5%. Nguyên nhân đẩy CPI tháng 8 tăng cao so với tháng trước là do ảnh hưởng nhiều của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và xăng dầu.
Tại báo cáo kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam trong tháng 9, nhóm chuyên gia Ngân hàng HSBC cảnh báo: Áp lực lạm phát của Việt Nam đang gia tăng, tiếp theo đà tăng giá của các dịch vụ y tế, năng lượng và giáo dục trong mùa khai trường. HSBC cho rằng Việt Nam từng có lạm phát cao trong tháng 8, khi 2 mức lạm phát đỉnh điểm trong thập niên qua đều xuất hiện trong tháng 8, gồm mức tăng 23,8% trong năm 2008 và 23% trong năm 2011. Vì vậy, khi giá cả tăng từ mức 7,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 7,5% trong tháng 8 thì những lo ngại về lạm phát tăng lại xuất hiện.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo lộ trình tăng giá năng lượng theo cơ chế thị trường, đặc biệt là mặt hàng điện, sẽ gây sức ép lớn lên lạm phát những tháng cuối năm. Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (GSTCQG), việc điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ, tỉ giá và dịch vụ công như y tế, giáo dục là nhân tố chính chi phối lạm phát của năm nay. Trong tháng 8, nếu loại trừ yếu tố mùa vụ thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 3,43%. Do đó, để đạt được mục tiêu điều hành lạm phát cả năm không quá 7%, công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm có tính quyết định.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, rất khó đạt mục tiêu lạm phát cả năm dưới 7% vì theo quy luật, lạm phát thường giảm cuối quý I và tăng trở lại từ cuối quý III. Nhưng năm nay, lạm phát đã quay lại từ tháng 6 là rất sớm. Từ nay đến cuối năm, lạm phát chỉ tăng không giảm nên mục tiêu 7% khó đạt được.
Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu
Với giả định tăng trưởng kinh tế năm nay là 5,3%, lạm phát 7%, Ủy ban GSTCQG dự báo năm 2014, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,6%-5,8% trong khi CPI vẫn ở mức 7%. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng sản xuất kích thích nền kinh tế. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội không nên thấp hơn 30% GDP.
Bình luận (0)