Tổng cục Thống kê vừa công bố CPI tháng 7-2013 tăng 0,27% so với tháng 6-2013, tăng 2,68% so với tháng 12-2012 và tăng 7,29% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 6,81%, được xem là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Có nhiều yếu tố dẫn đến CPI tăng trong tháng thứ hai liên tiếp như việc giá xăng dầu tăng liên tục 3 lần trong 1 tháng, các kỳ thi đại học, cao đẳng trong tháng 7, việc tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức từ 1-7 và có cả việc điều chỉnh tỉ giá thêm 1% từ 28-6.
Giá cả tiêu dùng đang tăng trở lại
Nhóm giao thông có mức tăng mạnh nhất 1,34% so với tháng trước. Dễ dàng nhận ra việc tăng giá này chủ yếu tác động bởi đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 14-6 và 28-6, riêng đợt tăng mới đây 17-7 chưa có ảnh hưởng.
Các nhóm hàng hóa khác đều tăng giá trong tháng 7, không có nhóm giảm ngoại trừ giá vàng giảm 6,28% so với tháng 6. Cũng đáng lưu ý là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng trở lại 0,1% sau 4 tháng giảm liên tục. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tăng 0,18% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,2%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng mạnh thứ hai trong tháng với 0,43% trong khi tháng trước chỉ tăng 0,02%, phần nào cho thấy sự khởi sắc của thị trường bất động sản nhờ hiệu ứng của gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỉ đồng.
Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng áp lực lạm phá đang gia tăng, xuất phát từ việc điều chỉnh giá xăng dầu, nguy cơ giá các loại dịch vụ công ăn theo và áp lực giá cả do việc tăng tỉ giá đồng USD.
Một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi tăng trưởng tín dụng cải thiện nhanh, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền trên thị trường mở (OMO) từ đầu tháng 7 sẽ làm cho lạm phát có điều kiện tăng tốc.
Bình luận (0)