Làng Tân Cổ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa từ lâu được xem là "thủ phủ" nuôi cá chép đỏ cúng ông Công, ông Táo của tỉnh này. Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, hàng tấn cá chép đỏ được đưa đi khắp nơi tiêu thụ.
Nghề nuôi cá chép đỏ không chỉ là nghề truyền thống của bà con trong làng mà từ lâu nó đã mang lại một nguồn thu nhập khá, ổn định của người dân nơi đây. Vì thế, nghề nuôi cá hiện đã mở rộng ra cả làng Bái Tân Hậu và Bái Trúc.
Cá chép được chuẩn bị để tiễn ông Công, ông Táo về trời
Theo truyền thống văn hóa của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Người dân thường dùng cá chép đỏ làm phương tiện để ông Công ông Táo cưỡi về trời.
Chính vì thế, mà gần tới ngày 23 tháng Chạp, làng Tân Cổ lại nhộn nhịp hẳn lên. Người dân thì tập trung thuê mượn nhân lực hút ao, bắt cá cho vào các lồng nhỏ để phân loại, đóng bao; thương lái từ khắp nơi đổ về thu gom đưa về các vùng miền tiêu thụ. Dọc đường vào làng, cá được trống trong bể, đựng trong túi bóng... đỏ rực một màu.
Ông Nguyễn Trọng Chiến cho biết, gia đình ông đã nuôi cá chép đỏ hàng chục năm nhưng theo ông chưa có năm nào mà giá cao như năm nay, gấp đôi năm trước. "Năm trước giá cả thường dao động từ 80-90.000 đồng/kg, nhưng năm nay thường dao động từ 120-150.000 đồng/kg. Nguyên nhân do năm nay thời tiết khắc nghiệt, cá chỉ đạt khoảng 50% so với năm trước, ngoài ra nhiều vựa cá lớn ở miền Bắc không dám đưa cá vào trong này bán vì lo dịch bệnh Covid-19"- ông Chiến chia sẻ.
Cũng theo nhiều người nuôi cá, mặc dù sản lượng không nhiều bằng năm trước, thế nhưng cá lại to khỏe, mỗi kg cá đẹp, lựa chọn thường có khoảng 30 con, nếu bình thường thì 70-100 con/kg.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Tân Phong, hiện địa phương có khoảng 150 hộ nuôi cá chép đỏ, hàng năm xuất bán ra thị trường dịp 23 tháng Chạp khoảng 35-40 tấn cá.
Nuôi cá chép đỏ là một nghề có từ lâu đời ở làng Tân Cổ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương
Cứ tới gần ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân lại hút ao, kéo lưới bắt cá chép để xuất bán
Cá chép đỏ năm nay rất được giá, cao gấp đôi năm trước khiến người nông dân rất phấn khởi
Sau khi đánh bắt dưới ao, cá được trống vào lồng nhỏ...
...hoặc những bể được làm như thế này
Thương lái chỉ về vớt cá cho vào bao tải hoặc những thùng xe đã có sẵn bình sục o-xy
Tuy lợi nhuận không cao, nhưng nghề nuôi cá chép đỏ đã giúp người dân có nguồn thu ổn định hàng năm, giúp người dân có một cái Tết thêm đủ đầy
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp, thế nhưng sức mua tại làng Tân Cổ rất cao
Bình luận (0)