Chiều 1-11, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) tổ chức buổi họp báo thông tin với các cơ quan báo chí nhiều nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư nhà máy giấy của Lee & Man tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tại đây, ông Patrick Chung, tổng giám đốc điều hành công ty, nhấn mạnh cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam và coi việc bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư nghiêm túc vào các công trình xử lý nước thải, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật là yếu tố quan trọng bảo đảm sự tồn tại của tập đoàn, ủng hộ quan điểm của Chính phủ Việt Nam “không đánh đổi môi trường lấy phát triển”.
Một góc nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang Ảnh: Ca Linh
Theo ông Patrick Chung, toàn bộ thiết kế, thông số hệ thống xử lý chất thải của nhà máy giấy đã được chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương thẩm định. Còn về kinh phí dành cho bảo vệ môi trường trong tổng số 280 triệu USD vốn đầu tư cho nhà máy, ông Patrick Chung cho rằng công ty không tính được phải đầu tư bao nhiêu tiền cho hệ thống xử lý chất thải mới bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam. “Nếu cần gì để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường chúng tôi sẽ đầu tư. Tôi đứng ở đây để cam kết điều này” - ông này nói.
Khi phóng viên Báo Người Lao Động đặt vấn đề vì sao Lee & Man luôn khẳng định công nghệ nhập về Hậu Giang là an toàn nhưng trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lại có ý kiến gửi lên Thủ tướng Chính phủ cho rằng dây chuyền sản xuất của nhà máy này lạc hậu, lượng nước thải có thể cao hơn công nghệ hiện đại lên đến 10 lần, ông Patrick Chung nói: “Chúng tôi hiểu VASEP quan tâm đến môi trường và chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nhưng có sự hiểu nhầm. Nếu VASEP hay mọi người đến thăm nhà máy, cùng chúng tôi xem chi tiết các thiết bị đó sẽ tin tưởng hơn vào những gì chúng tôi đang làm”.
Tuy nhiên, phóng viên phải 3 lần đề nghị Lee & Man nói rõ công nghệ của nhà máy được nhập từ nước nào mới nhận được câu trả lời: “Tập đoàn Lee & Man có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất giấy nên biết nhà sản xuất nào có thể cung cấp được thiết bị tốt nhất. Chúng tôi cam kết mang đến những thiết bị cập nhật nhất, hiện đại nhất. Chúng tôi kết hợp từng thiết bị khác nhau từ những công ty sản xuất máy móc hàng đầu thế giới như Đức, Mỹ, Thụy Điển”.
Trước câu hỏi Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà máy sản xuất giấy đã được thông qua chưa, đại diện Lee & Man giải thích báo cáo ĐTM trước đây được phê duyệt và có hiệu lực là báo cáo chung cho cả nhà máy giấy lẫn nhà máy bột giấy. Nhưng hiện nay, do cung - cầu trên thị trường bột giấy đã gần như tương đương, thậm chí có thời điểm cung đã vượt cầu, nên công ty chưa xem xét đến việc triển khai nhà máy bột giấy. Hiện tại, báo cáo ĐTM cho nhà máy giấy vẫn đang được xây dựng và sẽ sớm trình các bộ, ngành phê duyệt. “Chúng tôi chỉ đang hoàn thành nhà máy sản xuất giấy 120.000 tấn/năm. Còn nhà máy bột giấy hiện nay vẫn chưa tính đến. Chúng tôi tách nhà máy giấy ra làm ĐTM riêng và tôi tin tưởng báo cáo này sẽ được phê duyệt rất sớm” - lãnh đạo của Lee & Man thông tin.
Không có xút thải ra môi trường?
Khi phóng viên đề cập đến lượng xút sử dụng trong quá trình sản xuất giấy cũng như tỉ lệ nước thải được tái sử dụng trong quá trình sản xuất là bao nhiêu, đại diện Lee & Man Việt Nam không trả lời cụ thể mà vòng vo rằng: “Trong quá trình sản xuất giấy sẽ không có xút thải ra sông Hậu. Chúng tôi dùng rất ít xút trong quá trình sản xuất, phần xút vô cùng nhỏ này dùng để trung hòa axít trong nước. Nếu có xút thải ra trong quá trình giữa của sản xuất thì chúng tôi đã quay vòng khi sản xuất rồi”.
Ông Patrick Chung cũng lưu ý thêm rằng Lee & Man Việt Nam không phải công ty duy nhất dùng xút trong ngành công nghiệp giấy và tất cả công ty giấy đều hiểu không thể thải xút ra ngoài.
Bình luận (0)