Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, sản phẩm có mặt trên 80 quốc gia trên thế giới và vùng lãnh thổ, chiếm đến 14,2% thị trường cà phê nhân trên toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam còn thua xa quốc gia đứng đầu là Brazil dù giới kinh doanh quốc tế đánh giá cà phê của Việt Nam ngon, vùng nguyên liệu có nhiều lợi thế.
Xuất nhiều nhưng giá trị thấp
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy xuất khẩu cà phê năm nay vẫn tiếp tục giảm cả về sản lượng và giá trị. Niên vụ cà phê 2018-2019 (tính đến hết tháng 9-2019), Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 1.697.102 tấn, giảm 5,42% so với lượng xuất khẩu của niên vụ trước. Về kim ngạch đạt 2,96 tỉ USD, giảm 15,05%.
Nguyên nhân chủ yếu do giá cà phê thế giới thời gian qua giảm mạnh vì nguồn cung toàn cầu dư thừa, kết hợp với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại lan rộng. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê Việt Nam liên tục bị mất thị phần vào tay các đối thủ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là do cà phê Việt chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không nhiều, công nghệ chế biến sau thu hoạch còn kém… Sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu nên chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến nhiều mà phải thông qua các doanh nghiệp (DN) trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Long, người sáng lập thương hiệu Shin Coffee, cho rằng để giá trị cà phê của Việt Nam gia tăng bắt buộc phải có sản phẩm cho giá trị cao, đa dạng và phải có thương hiệu tốt. "Việt Nam có nhiều lợi thế về vùng nguyên liệu, chất lượng không thua các vùng trên thế giới nhưng hiện tại chúng ta chú trọng sản phẩm thô xuất khẩu với giá thấp, trong khi các DN hàng đầu vẫn chưa có nhiều định hướng, cách làm để nâng tầm giá trị cho cà phê trong nước" - ông Long phân tích.
Tương tự với hồ tiêu, ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Vang, cho rằng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đứng đầu thế giới nhưng giá trị mang lại chưa cao, chủ yếu do chất lượng không đồng đều, khâu chế biến sau thu hoạch còn yếu. Ngoài ra, hầu hết đều xuất khẩu dưới dạng hàng thô, hàng xá. "Trước đây, giá tiêu hơn 200.000 đồng/kg, nông dân đua nhau mở rộng diện tích trồng tiêu nhưng ít chú ý đến chất lượng. Kể cả những vùng thổ nhưỡng không phù hợp cũng trồng tiêu. Sau đó ngành tiêu "vỡ trận" vì giá rơi thẳng đứng, hiện chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg. Phần lớn người trồng tiêu bị phá sản, bán nhà cửa để trả nợ ngân hàng, bỏ trốn đi nơi khác" - ông Công nêu thực trạng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), ngành hồ tiêu Việt Nam từng phát triển rất mạnh nhưng Brazil, Indonesia, Campuchia... đang dần chiếm tỉ trọng lớn và cạnh tranh trực tiếp. Trong đó, Brazil chiếm thị phần gần bằng Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp hồ tiêu Việt Nam, lại đang chiếm ưu thế ở thị trường châu Âu (EU).
Cà phê Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu thô và không có thương hiệu. Ảnh: CAO NGUYÊN
Chất lượng tốt sẽ có thương hiệu
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhận định nguồn cung hồ tiêu trên thế giới đang vượt cầu, hàng tồn khó lớn nên giá tiêu rất khó phục hồi. Việt Nam đã có thương hiệu tiêu Chư Sê có giá xuất khẩu tốt nhưng sản lượng chưa đủ lớn để mang lại giá trị cao. Để thế giới biết thương hiệu tiêu Việt Nam cần phải có thời gian cũng như phải đáp ứng cho được quy trình sản xuất bền vững. DN xuất khẩu cần phải liên kết với nông dân và có biện pháp quản lý chặt chẽ về chất lượng. Nếu không thực hiện chuỗi bền vững này thì thời gian tới cũng chỉ xuất khẩu hàng thô.
Ngoài ra, để có thể gia tăng giá trị tiêu Việt Nam phải có nhiều sản phẩm đa dạng như tinh dầu, sản phẩm hữu cơ. Điều này phụ thuộc rất lớn vào đầu ra của sản phẩm, tạo ra cho các sản phẩm tinh dầu một thị trường tiêu thụ như sản phẩm của một số nước đã làm. Đặc biệt, phải biết điều tiết thị trường chứ không thả nổi. Ngoài việc gia tăng giá trị, tăng sản lượng và giảm chi phí trồng, sản xuất là điều rất quan trọng để đưa sản phẩm tiêu lên mức cao, người dân và doanh nghiệp đều có lợi.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cũng cho rằng để cà phê Việt Nam nâng cao được giá trị, cần phải xây dựng thương hiệu mang tính toàn cầu. Vì sản phẩm tốt, có uy tín còn cần phải có thương hiệu toàn cầu xứng tầm, phải quảng bá ra thế giới. Để làm được điều đó, trước tiên phải đi vào chiều sâu, đầu tư nhà máy chế biến ngang tầm thế giới, quảng bá sản phẩm ra toàn cầu. Để làm được phải có những DN, doanh nhân đủ tầm, đủ lực để thực hiện mô hình chuẩn. Đặc biệt, phải có sự quan tâm từ Chính phủ trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá để thương hiệu của Việt Nam có điều kiện đi xa, định hình giá trị cho bản thân và cho cả quốc gia.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Phát triển An Thái, ông Nguyễn Xuân Lợi, cho rằng trước đây một số DN, cá nhân sản xuất cà phê kém chất lượng đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng sản suất cà phê kém chất lượng đã giảm hẳn. Lý do là người tiêu dùng đã biết lựa chọn cho mình những sản phẩm cà phê tốt để thưởng thức. Bên cạnh đó, DN cũng nhận ra được vấn đề nếu sản xuất cà phê kém chất lượng thì khách hàng sẽ quay lưng.
Ngoài ra, người trồng cà phê cũng đã bắt đầu ý thức được vấn đề chất lượng sản phẩm, họ chuyển đổi những diện tích không phù hợp sang trồng cây khác, thu hái quả chín, đầu tư trang thiết bị cho quá trình sản xuất, thu hái. Riêng các sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra những tiêu chuẩn cao, trong đó buộc các DN phải có trên 70% sản phẩm cà phê trong vùng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. "Hiện nay, cà phê xuất khẩu Việt Nam thuộc nhóm nước có sản lượng và chất lượng cao chứ không như trước" - ông Lợi cho biết thêm.
Không chỉ hồ tiêu và cà phê, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết hiệp hội và các DN điều cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu. Bộ Công Thương đã chọn điều là một trong hai sản phẩm được xúc tiến cho chương trình thương hiệu thực phẩm Việt Nam. Ngoài ra, hiệp hội cũng hợp tác với Viện Dinh dưỡng nghiên cứu giá trị dinh dưỡng hạt điều có lợi cho sức khỏe; tham gia nghiên cứu giá trị dinh dưỡng của hiệp hội điều toàn cầu… Từ đó giá trị thương hiệu điều chế biến sâu cho thị trường xuất khẩu trước đây chỉ khoảng 5%, nay tăng lên chiếm 10% trên tổng số lượng điều xuất khẩu, giá trị từ chế biến sâu tăng từ 400%-500% so với xuất khẩu hàng thô.
Cũng theo ông Giang, hiện các DN rất muốn chế biến sâu nhưng còn gặp nhiều trở ngại về vốn đầu tư dây chuyền sản xuất, cũng như chưa có được hệ thống phân phối bán hàng ở nước ngoài, chi phí tiếp thị cũng khá cao.
Bán dừa thu trên 1.000 tỉ đồng/năm
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, từ một xưởng ép dừa thủ công, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) đã nhảy vọt lên doanh thu trên 1.000 tỉ đồng, sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm đạt chuẩn quốc tế được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia và từng bước trở thành thương hiệu về sản phẩm dừa hàng đầu thế giới.
Ông Cù Văn Thành - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc công ty - cho biết có được thành công này là nhờ Lương Quới đã nắm bắt xu hướng phát triển thực phẩm hữu cơ cao cấp trên thế giới, từ đó đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế. Chính chứng nhận hữu cơ quốc tế là tấm "visa" có giá trị để các sản phẩm của Lương Quới thâm nhập thị trường quốc tế, kể cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Bên cạnh đó, công ty không ngừng nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới khác biệt và đột phá.
Theo ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm CLB Các Nhà kinh tế (trực thuộc Hiệp hội DN TP HCM), Chủ tịch Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre - câu chuyện xây dựng thương hiệu sản phẩm dừa Việt Nam của Công ty Lương Quới đáng để các DN khác tham khảo, học hỏi. Từ một trái dừa bình thường, chỉ có giá trị giải khát cùng vài sản phẩm đơn điệu từ cơm dừa, nước dừa, nhờ sự năng động sáng tạo của Lương Quới, danh mục sản phẩm từ dừa được mở rộng, mang lại giá trị xuất khẩu cao.
T.Nhân
Bình luận (0)